Hải quân ở Trường Sa trên đường tuần tra.
Dù lịch sử đã sang trang, sự kiện 14-3-1988 cũng lùi vào dĩ vãng, song tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma ngày ấy, luôn nhắc nhở người Việt một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương hôm qua đổ xuống, là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển đảo bằng sức mạnh dân tộc.
NGHĨA TRANG XANH Ở CÔ LIN
Trên vùng biển Cô Lin có một nghĩa trang xanh - nơi chôn vùi xương cốt của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong trận chiến Gạc Ma - những người đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho bình yên biển, đảo, vì một Trường Sa mà mảnh đất của nó không thể tách rời.
Gọi là nghĩa trang xanh, bởi các anh ngã xuống tuổi đời còn rất trẻ, để lại sau lưng bao hoài bão, lý tưởng, ước mơ và nhựa sống của người lính biển thời bình. Nghĩa trang ấy không có phần mộ như trên đất liền, không có bia tưởng niệm, không có phần đất, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu lúc nổi lên dữ dội, lúc hiền hòa lặng lẽ như những nhành san hô nằm dưới đáy biển sâu.
Lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh, cầm nhành huệ trắng thả xuống đại dương, chị Trần Thị Thủy, người con gái duy nhất của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương nghẹn ngào nước mắt: “Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai được, kể từ ngày ba nằm lại Gạc Ma”. Nước mắt người con gái chảy tràn trên má, hòa vào sóng nước. Chị đưa tay đỡ tràng hoa cùng các chiến sĩ thả xuống biển trọn niềm đau vô bờ.
GỬI SÓNG BIỂN NGÀN LỜI ĐƯA TIỄN
Chiều cuối tuần, trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân, đoàn công tác chúng tôi hải trình đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động khi hướng về phía đảo Gạc Ma. Nơi ấy, 64 linh hồn liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 vẫn lạnh cóng tận đáy san hô.
Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ thiết tha. Chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu. Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quện vào sóng nước. “Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hi sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Tiếng nói của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”.
Nhiều người bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua 2 cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng vọng linh hồn các liệt sĩ.
64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, có 1 sĩ quan đeo quân hàm cấp trung tá, 2 sĩ quan cấp đại úy, 3 sĩ quan cấp thượng úy, 2 sĩ quan cấp trung úy, 2 sĩ quan thiếu úy, 1 sĩ quan chuẩn úy. Liệt sĩ là hạ sĩ quan chiến sĩ có 46 người (2 thượng sĩ, 9 trung sĩ, 11 hạ sĩ, 17 binh nhất, 7 binh nhì); 2 quân nhân chuyên nghiệp, 1 liệt sĩ giữ chức thuyền trưởng, 4 liệt sĩ giữ chức phó thuyền trưởng, 1 liệt sĩ giữ chức đại đội trưởng, 3 người giữ chức trung đội trưởng, 2 chiến sĩ giữ chức tiểu đội trưởng. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, thì sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong suốt 30 năm qua. |