Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin cơ sở; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin đối ngoại đã trình bày báo cáo tổng kết năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của từng đơn vị.
Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, năm 2022 Cục đã quyết liệt xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từng bước hạn chế tình trạng này. Đồng thời đã phối hợp với Sở TT&TT các địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng trên.
Ngoài ra, năm 2022, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới.
Đề cập đến báo chí trong xu thế chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, khái niệm “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về báo chí. Vì vậy, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, khi phải nghiên cứu, chuyển hóa xử lý sang các hành vi có liên quan, có chế tài cụ thể, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Cục sẽ thành lập “Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí”, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp công nghệ để hỗ trợ, dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số báo chí.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết, năm 2022, Cục Thông tin đối ngoại đã đạt được những kết quả rất tốt đối với những nhiệm vụ thường xuyên. Đặc biệt, những đột phá, cách làm mới đã mang lại hiệu quả. Trong đó: Đẩy mạnh truyền thông về quyền con người nhằm thúc đẩy tiến bộ, tăng đồng thuận xã hội và tín nhiệm quốc gia; Đột phá mở hướng truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, năm 2022 là năm diễn ra nhiều hoạt động lớn như 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam; tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản;… Bên cạnh đó, đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.
Trong lĩnh vực Thông tin cơ sở, Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo cho biết, năm qua thông tin đến với cơ sở được đưa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp với các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng công nghệ thông tin, các thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên... để việc tiếp cận thông tin của các tầng lớp nhân dân ngày càng được gần hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời và đạt hiệu quả. Đồng thời chú trọng thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Gắn kết để phát huy sức mạnh của Khối
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, ngoài những kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ TT&TT giao hàng năm, các đơn vị trong khối cần phải có nhận thức lớn, tầm nhìn lớn và đòi hỏi cách làm mới để mang lại giá trị cao cho xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội nghị
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự phối hợp gắn kết và phát huy sức mạnh đến từ kết nối liên thông giữa các đơn vị trong Khối sẽ tăng hiệu quả hoạt động, đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa.
Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Thứ trưởng cho biết, công tác thông tin đối ngoại là lĩnh vực cần kế thừa kết quả đã làm được, và mang vào đó luồng gió mới.
"Ba Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại gần đây đều là 3 nhà báo, trong đó có 2 tổng biên tập. Các nhà báo vừa có kinh nghiệm, vừa có góc nhìn, cách giải quyết vấn đề, vừa nắm được kỳ vọng của xã hội, của người dân đối với cơ quan quản lý Nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Đối với Cục xuất bản, In và Phát hành, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần đổi mới rất nhiều cách làm. Có những việc Nhà nước không thể làm thay được, mà phải chờ nguồn lực xã hội.
Đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, một trong những nhiệm vụ trong năm 2023, đó là cần quan tâm, đưa việc sửa Luật Báo chí vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này.
Với Thanh tra Bộ TT&TT, năm 2023 phải có thí điểm xử phạt trực tuyến để giảm bớt phiền hà do việc đi lại, gặp gỡ đối tượng, triệu tập đối tượng từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, thời điểm 1/1/2023 tới có rất nhiều việc phải thay đổi. Việc nắn dòng quảng cáo trên không gian mạng phải làm được. Đồng thời, các nhà sản xuất tivi, các thiết bị đầu mối phải cài sẵn những ứng dụng thiết yếu đã được công nhận.
“Chúng ta công nhận nền tảng số là nền tảng phục vụ người dân và phải đưa vào thành chính sách, yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, nhập khẩu điện thoại vào Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng. Một chiếc điện thoại bán ra ở Việt Nam mà tuân thủ đầy đủ pháp luật thì phải được cài sẵn các ứng dụng thiết thực”, Thứ trưởng nói.
Với lĩnh vực báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cũng yêu cầu trong năm 2023 phải dẫn dắt, tập huấn, làm sao để công tác truyền thông chính sách ở các địa phương, các bộ ngành thật chuyên nghiệp, hiệu quả./.