Với khoảng 200.000 ha đất nông nghiệp, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển “trụ đỡ” của nền kinh tế. Đặc biệt, với việc lựa chọn những đối tượng sản xuất có giá trị cao, áp dụng khoa học công nghệ cao (CNC) để tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thu được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, rõ ràng con số 160 mô hình là khá khiêm tốn. Ngoài ra, hiện Hà Nội mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng CNC theo tiêu chí của thành phố; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất còn hạn chế.
Chính vì thế, theo ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp CNC.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, đến nay, Hà Nội vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND thành phố cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương.
Vì thế, để tháo gỡ những bất cập, đồng thời khơi thông cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp CNC, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Du lịch Hà Nội đề xuất trước mắt thành phố cần triển khai quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời xác định các vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế để bảo đảm quỹ đất ổn định, thu hút DN đầu tư.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ứng dụng CNC… để đề nghị T.Ư và HĐND TP sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.