Khởi sắc xu hướng hợp tác
Đánh giá về tình hình Biển Đông, giới học giả quốc tế nhận định, trong năm qua, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những chủ đề quan trọng trên bàn nghị sự của Liên hợp quốc kể từ năm 2020. Tuy nhiên, xu hướng hợp tác trong vấn đề Biển Đông đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt động thái tích cực. Nổi bật tại khu vực có thể kể đến như việc Việt Nam và Philippines nối lại thỏa thuận khảo sát nghiên cứu khoa học biển. Cùng với đó, Brunei và Malaysia đạt được thỏa thuận hợp tác về dầu khí trong khu vực dàn xếp thương mại trên biển giữa hai nước. Năm qua, tại khu vực, nhiều diễn đàn quốc tế bàn thảo về các khía cạnh hợp tác biển, bao gồm hợp tác bảo vệ môi trường biển, khôi phục kết nối trên biển và phát triển kinh tế biển xanh, chống các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
Năm 2021 cũng chứng kiến nhiều bước tiến tích cực trên trường quốc tế khi các quốc gia, tổ chức có liên quan như Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Hà Lan, Ấn Độ, Anh,... đồng loạt công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các tuyên bố đều nhấn mạnh lợi ích và cam kết đóng góp cho hợp tác duy trì ổn định trên không gian biển, trong đó có tăng cường hiện diện tại khu vực Biển Đông nhằm củng cố và bảo vệ trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm qua cũng chủ trì nhiều diễn đàn quốc tế để tìm tiếng nói chung khẳng định mối quan ngại trước các diễn biến trên thực địa Biển Đông, đặc biệt là khẳng định vai trò thống nhất và phổ quát của UNCLOS trong việc xác lập các yêu sách biển và kêu gọi các bên hợp tác xây dựng lòng tin. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Tuyên bố về các Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Mặt khác, ASEAN cũng thành công trong việc ra Tuyên bố về Kinh tế biển xanh và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, sau khoảng thời gian gián đoạn do tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19 từ năm 2020 đến nay, quá trình đàm phán COC đã được nối lại, kiên định với mục tiêu chung là hướng tới bộ quy tắc thực chất và hiệu quả.
Trong năm qua, Nhật Bản và New Zealand đã gửi công hàm tới Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc bày tỏ một số lập trường pháp lý về Biển Đông, trong đó khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết trọng tài Biển Đông trong việc đảm bảo duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Các nước cũng khẳng định giá trị duy nhất của UNCLOS trong việc tạo ra cơ sở pháp lý cho các yêu sách bất chấp, vô lý. Đồng thời khẳng định, giá trị ràng buộc của Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông vào năm 2016. Song hành với các cường quốc, cộng đồng quốc tế khắp thế giới cũng bày tỏ quan điểm pháp lý rõ ràng, đề cao giá trị phổ quát của UNCLOS và công nhận giá trị pháp lý của Phán quyết trọng tài Biển Đông.
Vẫn sẽ còn “sóng ngầm”
Các động thái từ cộng đồng quốc tế trong năm qua, từ giới chính trị tới giới khoa học đều cùng tiếp tục đẩy mạnh quan điểm rằng, mọi sự phát triển hay diễn giải đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm, không được làm trái với các quy định tại Công ước. Bởi, UNCLOS như một bản hiến pháp của đại dương, là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, là “Hiến chương xanh” của nhân loại.
Theo Giáo sư Nishimoto Kentaro của Đại học Tohoku, Nhật Bản, UNCLOS đã quy định rất rõ ràng các vùng biển và giải quyết triệt để việc yêu sách vùng biển của các quốc gia. Trong trường hợp cần phát triển các quy định trong UNCLOS để phục vụ sự biến đổi của thực tiễn thì cũng phải là kết quả của các nỗ lực tập thể cộng đồng quốc tế và các quy định mới phải nhất quán với khuôn khổ mà UNCLOS đã đề ra.
Dù Biển Đông vẫn luôn là một vấn đề phức tạp, song, những diễn biến tích cực gần đây cho thấy những sự “chuyển mình” vô cùng quan trọng, nhất là sự đoàn kết, chung sức, chung ý chí của cộng đồng quốc tế. Trong năm 2021, tình hình Biển Đông không xảy ra xung đột lớn nhưng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều “mảng tối”, cũng như còn tiềm ẩn những lớp “sóng ngầm”.
Nhìn lại năm qua và hướng tới tương lai, giới chuyên gia nhận định, không gian chiến lược tại khu vực đang được định hình với nhiều cấu trúc, mối liên kết an ninh mới được hình thanh đan xen ở phạm vi rộng lớn hơn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, Biển Đông sẽ là “tâm điểm” chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các nước lớn. Song hành với đó, Biển Đông cũng sẽ là nơi thử nghiệm sự hình thành một trật tự quốc tế mới trên biển.
Trước những thách thức to lớn của thời đại, xu hướng tự do, rộng mở, tôn trọng lợi ích của các nước vừa và nhỏ, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS cần có thêm “nguồn lực” đạt được vị trí chủ đạo trong trật tự quốc tế mới trên biển. Mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước vừa và nhỏ, cũng như các quốc gia trong khu vực.