Thượng tôn pháp luật trên biển
Mới đây, tại Australia đã diễn ra cuộc tham vấn thường niên 2022 giữa Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Australia với Ngoại trưởng Elizabeth Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace của Anh.
Tại cuộc tham vấn, các quan chức cấp cao đã tập trung vào các thách thức chiến lược và xác định các lĩnh vực mà Australia và Anh cùng chung sức vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm, nơi chủ quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng.
Theo Ngoại trưởng Marise Payne, Australia và Anh chia sẻ lợi ích trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Môi trường quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và đầy thách thức, đòi hỏi các quốc gia cần xem xét các cách thức để tăng cường quan hệ đối tác nhằm đối phó với các mối đe dọa mới, đang nổi lên và nắm bắt nhiều cơ hội của kỷ nguyên này.
Các bộ trưởng của Anh và Australia cũng cam kết hợp tác với các đối tác để hình thành một khu vực dựa trên nền tảng các quy tắc và chuẩn mực, không bị ép buộc, nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, các bộ trưởng hoan nghênh việc tăng cường mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia và vị thế mới của Anh với tư cách là đối tác đối thoại chính thức của ASEAN. Mặt khác, các bộ trưởng Anh và Australia ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt và việc triển khai Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giảm căng thẳng trên Biển Đông
Cũng tại cuộc tham vấn của các bộ trưởng Anh và Australia, các ngoại trưởng cùng nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm các hành động quân sự hóa ở các khu vực có tranh chấp, sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển theo cách nguy hiểm. Cùng với đó, các nỗ lực làm gián đoạn việc sử dụng tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia cũng bị các bộ trưởng của Australia và Anh lên án. Đồng thời, các bộ trưởng tái khẳng định, phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 là chung thẩm và mang tính ràng buộc các bên.
Liên quan đến quy tắc ứng xử trên biển, các bộ trưởng của Anh và Australia cùng cho rằng, bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Đặc biệt trong đó, các bộ quy tắc không làm phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các nước theo luật pháp quốc tế, cũng như làm suy yếu cấu trúc khu vực bao trùm hiện có. Các tuyên bố chủ quyền cũng như việc thực hiện luật pháp phải phù hợp với UNCLOS.
Tại khu vực Đông Nam Á, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn cho biết, Campuchia với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022 đang nỗ lực hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm nay. Mọi quốc gia thành viên ASEAN đều mong muốn COC sớm được ký kết. Bộ quy tắc này sẽ là một khuôn khổ pháp lý quốc tế để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn duy trì hòa bình cũng như ổn định khu vực ở Biển Đông.
Theo đánh giá của Ngoại trưởng Campuchia, khu vực Biển Đông nằm ở vị trí chiến lược, là tâm điểm của các động lực địa chính trị ngày nay nên vấn đề Biển Đông rất phức tạp do có nhiều quốc gia tranh chấp. Việc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua vào năm 2002 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác, hòa bình và ổn định trong khu vực. DOC cũng như thúc đẩy lòng tin, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, trước những tồn tại, hạn chế và nhu cầu của thời đại mới, việc đạt được COC là rất cần thiết. Trong 2 năm qua, tiến trình đàm phán COC đã bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Tốc độ hiện tại của COC vẫn tạo ra nhiều khó khăn để có thể hoàn tất trong năm nay, dù các bên đang rất nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu này. Hiện nay, đang có 2 yếu tố cần thiết để hoàn tất COC, đầu tiên là ý chí chính trị và thiện chí từ tất cả các bên; thứ hai là môi trường hòa bình trong khu vực. Campuchia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và đang tuân theo chính sách trung lập. Tuy nhiên, Campuchia đang cố gắng hết sức để đóng góp vào việc hoàn tất COC.
Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia khu vực kêu gọi các bên tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; các quốc gia liên quan tiếp tục sử dụng cơ chế của ASEAN để thực hiện đầy đủ DOC, cùng làm việc nhằm hiện thực hóa COC; đồng thời khuyến khích hợp tác trong việc giải quyết các tranh chấp. Việc hoàn tất COC trong thời gian sớm nhất là rất quan trọng để giảm leo thang căng thẳng.