Chiều 25/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giữa hai Bộ.
Thông tin tại buổi lễ cho biết, thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020, Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, các chương trình khoa học công nghệ đặc thù phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, khoa học và công nghệ của ngành đã đổi mới và đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như: giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật…đã góp phần giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Trong đó, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,91%; thủy sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành tăng 2,68%…
Trên cơ sở đó, việc ký kết chương trình phối hợp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thống nhất chủ trương, định hướng của hai Bộ là ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, trách nhiệm và bền vững,…
Hai Bộ thống nhất cao trong giai đoạn 2021-2030 ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương. Đặc biệt, chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, mặc dù trên cơ sở những nội dung đã ký kết, tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, nếu mỗi Bộ có những sáng kiến mới, giữa các đơn vị hai Bộ có thể cùng trao đổi với nhau thông qua nhiều hình thức để tăng thêm hiệu quả phối hợp. Chính việc thường xuyên tương tác, cùng bàn bạc các vấn đề giữa hai Bộ, tin tưởng sự hợp tác sẽ đạt được nhiều kết quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hai Bộ cần phối hợp để đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, phối hợp để xác định hướng nghiên cứu dài hạn, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm được người dân, doanh nghiệp trong nước chấp nhận và xuất khẩu ra các thị trường khác…
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đại diện cho mỗi Bộ ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2021-2030./.