Khoa học công nghệ góp phần phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số

Thứ năm, 16/12/2021 15:23

Trong giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương đã có nhiều cách triển khai thiết thực, góp phần từng bước thay đổi diện mạo đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số, miền núi.

20211221-u44.jpg

 Ứng dụng KH&CN trong phát triển một số cây trồng đặc sản

Đây là hoạt động được ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn hết sức chú trọng và đã đem lại nhiều kết quả khả quan.

Tỉnh đã có nhiều chương trình, đề tài, dự án phát triển cây chè tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống; trồng mới thâm canh cải tạo nương chè già cỗi và chế biến chè tại các xã vùng thấp huyện Chợ Mới; ứng dụng KH&CN tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn... Đến nay, tổng diện tích chè của tỉnh là 2.168 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 1.938 ha, sản lượng đạt trên 9.400 tấn búp tươi (tính đến hết năm 2019). Đối với cây chè Shan tuyết, địa phương đã nhân rộng diện tích tại xã Bằng Phúc lên tới 139,8 ha và tiếp tục chỉ đạo duy trì, mở rộng diện tích sản xuất chè Shan tuyết theo hướng VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm chè Shan tuyết Bắc Kạn có đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, điển hình là sản phẩm Trà móc câu, Hồng trà và Bạch trà. Chè Shan tuyết Bằng Phúc đã trở thành thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, có nhãn mác bao bì nhận diện.

Đối với cây cam, quýt, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 3.300 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là hơn 3.200 ha, hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Các giống mới tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm tại một số vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Từ trồng thử nghiệm 30 ha cam Xã Đoài (năm 2014) tại 03 huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, đến nay, tổng diện tích trồng cam Xã Đoài của tỉnh đã phát triển lên đến hơn 200 ha. 

Đối với cây hồng không hạt Bắc Kạn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Thông qua các đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích hồng không hạt tăng dần qua các năm. Năm 2009, diện tích hồng là 268 ha, năm 2011 tăng lên 390 ha, năm 2012 là 548 ha, đến nay diện tích hồng không hạt của tỉnh đạt 706 ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Chợ Đồn. Hồng không hạt Bắc Kạn và quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đến nay, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối với vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh, kết quả của các đề tài, dự án đã tác động tích cực đến nhận thức, phương thức sản xuất, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ

Tỉnh Bình Phước xác định, một trong những giải pháp hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là triển khai các dự án khoa học công nghệ hỗ trợ thiết thực cải thiện cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi vậy, bên cạnh các đề tài nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN Bình Phước đặc biệt chú trọng phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan triển khai nhiều dự án ý nghĩa.

Dự án “Xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trừ bệnh cây trồng từ bạc Nano” đã chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng trị bệnh cây trồng từ bạc Nano - Chitosan tan, công suất 12.000-15.000 lít/tháng để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương và các tỉnh lân cận. Kết quả đã giải quyết dịch bệnh cho vùng trồng cao su đạt hiệu quả kinh tế cao; hướng chuyển giao công nghệ phù hợp với xu thế tạo thuốc bảo vệ thực vật chứa các hoạt chất kích kháng sinh học ít độc hại, an toàn với môi trường, thay cho việc sử dụng các hóa chất độc hại, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, có thể kể đến các dự án như: “Xây dựng mô hình nhà máy sản xuất gạch không nung bằng công nghệ Polymer vô cơ”; “Xây dựng mô hình sản xuất giống cây ca cao, sơ chế hạt và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phế thải chế biến ca cao tại tỉnh Bình Phước”; “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Bình Phước”… Hiệu quả ứng dụng KH&CN của các dự án đã góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Các dự án cũng góp phần tham gia thị trường công nghệ, tăng cường sự hợp tác giữa địa phương với các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ; cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học và công nghệ

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện 205 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, các hoạt động nghiên cứu có tổng số 184 đề tài (21 đề tài cấp bộ, 80 đề tài cấp tỉnh, 83 đề tài cấp cơ sở). Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai 21 dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số.

Các chính sách pháp luật của Trung ương và tỉnh về khoa học và công nghệ trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được triển khai đồng bộ kịp thời, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ kết nối thị trường, liên kết trong sản xuất.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu chè và nhà máy chế biến trà Ô Long tại huyện Bù Gia Mập” đã thu hút nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho người dân các xã vùng dự án. Dự án cũng tận dụng lao động nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương; sản xuất các sản phẩm trà Ô Long với thương hiệu riêng, bước đầu được các khách hàng tại thị trường trong tỉnh và một số vùng lân cận đón nhận.

Thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ đã từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sự chuyển biến về tư duy, mô hình phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị và hàm lượng khoa học và công nghệ cao; tạo điều kiện để người dân ở khu vực này ổn định và đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm dần khoảng cách chênh lệch về phát triển so với các vùng miền khác.

Việc lập kế hoạch, bố trí, quản lý, sử dụng các nguồn vốn thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và kông nghệ ở vùng Dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng.

Qua các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước; nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp đột phá, tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển đối với địa bàn này./.

PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top