Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu, xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm các loại thủy sản như ghẹ xanh, sò huyết, nghêu lụa, nhum, cá bóp, cá trê suối Phú Quốc, cá thác lác, tôm càng xanh toàn đực… Một số đề tài đã xác định các đặc điểm sinh học, sinh thái, dinh dưỡng, sinh sản của một số loài làm cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo trên cá lưỡi trâu, vọp… Đặc biệt, các nhà khoa học, cán bộ khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu xây dựng quy trình, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trên bể lót bạt ứng dụng công nghệ biofloc; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số loài như kỳ tôm, càng cuốc, cá thác lác, cá trê suối Phú Quốc, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu…
Việc triển khai các đề tài, dự án đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ phát triển nông thôn của tỉnh Kiên Giang thời gian qua. Đặc biệt, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang thì các đề tài, dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa gạo, thủy sản…; từ đó tạo thêm việc làm cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Cũng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế mà đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được nâng cao. Đơn cử như Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Với diện tích nuôi cấy trai rộng 1ha trên hồ Núi Cốc, năm 2017, đơn vị triển khai Dự án bắt đầu thực hiện việc cấy 200 nghìn viên nhân cho 50 nghìn con trai nguyên liệu, đến nay đã thu hoạch được 4 lứa (trị giá hàng chục tỷ đồng).
Qua nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, khả năng sinh trưởng, tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi ở hồ Núi Cốc nhanh hơn so với những vùng khác. Bên cạnh đó, nghề nuôi trai lấy ngọc còn giúp cải thiện tốt môi trường khu vực nuôi, từ đó có thể kết hợp với nuôi các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước trong hồ. Với điều kiện sinh thái phù hợp, mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý
Là một trong những địa phương có lợi thế về nguồn tài nguyên sinh vật, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đầu tư mạnh cho nội dung nâng cao kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, với nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tuyển chọn giống mới bổ sung vào tập đoàn giống vật nuôi, cây trồng chủ lực của địa phương hoặc bản địa có ưu thế lớn về năng suất, chất lượng hoặc giá trị bảo tồn nguồn gen. Những năm trở lại đây, nguồn cây dược liệu của Gia Lai cũng được phát hiện và nhân rộng các mô hình canh tác với hiệu quả bước đầu khả quan.
Với điều kiện khí hậu và điều kiện lập địa khá đặc trưng nên Gia Lai đã hình thành một nguồn tài nguyên sinh vật khá phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cây dược liệu rất giá trị về dược tính, giá trị kinh tế và xuất khẩu. Hiện Gia Lai có khoảng 573 loài cây dược liệu được sử dụng làm dược liệu, trong đó có 21 loài cây dược liệu được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, có 12 loài thuộc Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và có 35 loài cây dược liệu mới, chưa thấy có trong các tài liệu trước đây.
Cũng nhờ ưu tiên các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh phát triển các giống cây, con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh... đến nay, Hà Giang đã nghiên cứu sản xuất giống 20 loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý có mô hình nhân giống, thân canh hồng không hạt Quản Bạ, mô hình phát triển trâu lai tại Bắc Quang, mô hình phát triển bò vàng Cao nguyên đá... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học là̀m chủ công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng vật nuôi đặc sản của tỉnh bằng phương pháp Invitro.
Để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ giảm thủy phần mật ong Bạc hà; chiết xuất dược liệu đa năng, công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ chế biến chè xuất khẩu…
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên để nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị sản phẩm được nâng cao thì việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở việc phát triển một số sản phẩm mà cần hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ) làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các thành tựu, tiến bộ về khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu./.