ảnh minh họa
Nguyên tắc cơ bản để giải quyết “nạn dịch” thuốc lá điếu
Trong các tài liệu khoa học, khi nói về đặc tính của một loại thuốc bất kỳ sẽ luôn đi kèm những rủi ro nhất định, trong đó khái niệm “lợi ích” luôn phải lớn hơn “nguy cơ”. Cụ thể, để điều chỉnh liều dùng, thời gian và đối tượng, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của việc điều trị so với nguy cơ mà loại thuốc đó có thể gây ra.
Đơn cử, các chuyên gia y tế khuyến khích tiêm vắc xin để phòng ngừa một số bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ nhấn mạnh đây không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối vì có thể gây tai biến, đe dọa tính mạng với một tỷ lệ nhất định. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn sẽ lựa chọn giải pháp có lợi hơn cho bệnh nhân sau khi đã cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích lâu dài và rủi ro có thể tính toán được. Đây cũng là nguyên tắc được áp dụng trong việc giải quyết “nạn dịch” thuốc lá điếu trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ gần đây.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới đều là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá điếu còn được xác định là sản phẩm nằm ở vị trí cao nhất trên chuỗi nguy cơ, nghĩa là gây hại lớn nhất. Tuy nhiên, dù đã áp dụng nhiều biện pháp từ cảnh báo bằng tuyên truyền cho đến hỗ trợ cai thuốc trực tiếp và miễn phí, nhưng người hút thuốc lá vẫn không muốn từ bỏ. Vì vậy, giảm tác hại thuốc lá chính là để người đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi hoàn toàn sang các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới - những sản phẩm dù không vô hại nhưng đã được khoa học xác định là có hàm lượng các chất gây hại ít hơn.
Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức y tế quốc tế, các chuyên gia y tế công cộng đều lên tiếng để kêu gọi cần sớm chuyển đổi người hút thuốc sang các giải pháp giảm tác hại. Song song đó, cần đưa ra các chính sách để quản lý, kiểm soát, khắc phục những hệ lụy của chính sản phẩm, cũng như ngăn chặn hành vi lạm dụng, biến tướng sản phẩm từ các tổ chức, cá nhân buôn lậu.
Khả năng giảm tác hại nhìn từ sở cứ khoa học
“So với khói của thuốc lá điếu đốt cháy, các sản phẩm thuốc lá làm nóng có khả năng khiến người sử dụng và người không sử dụng phơi nhiễm ở mức độ thấp hơn với các hạt phân tử rắn và các hợp chất gây hại hoặc có tiềm năng gây hại”, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh nhận định từ năm 2018. Đồng thời PHE cũng công bố thuốc lá điện tử ít gây hại hơn khoảng 95% so với thuốc lá điếu thông thường.
"Nồng độ các hợp chất nguy hiểm trong khí hơi của sản phẩm thuốc lá làm nóng này thấp hơn nhiều so với trong khói của thuốc lá điếu đốt cháy", đây là kết luận của Cục Y tế Môi trường (thuộc Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản) sau khi tiến hành nghiên cứu so sánh nồng độ các chất hóa học trong khí hơi (Aerosol) của một sản phẩm thuốc lá làm nóng và khói của thuốc lá điếu thông thường.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đưa ra kết luận với một sản phẩm thuốc lá làm nóng đã qua kiểm nghiệm. như sau: "Với những sở cứ khoa học có được tính đến thời điểm hiện tại, có thể thấy được rằng hệ thống làm nóng thuốc lá chỉ làm nóng nhưng không đốt cháy thuốc lá. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể sự hình thành các chất hóa học gây hại hoặc có tiềm năng gây hại”.
Liên quan đến vấn đề này, Ths.BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV từng chia sẻ tại một hội thảo trực tuyến: "Bỏ thuốc lá là tốt nhất nhưng khi mọi nỗ lực thất bại, tôi ủng hộ giải pháp dung hòa là giảm tác hại. Thay vì hút một điếu thuốc lá với tất cả độc hại thì để họ hút mỗi nicotin thôi và giảm những độc tính khác; đồng thời khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp chất gây ung thư, việc gây hại do hút thuốc thụ động cũng thấp hơn”.
Bổ sung về chủ đề này, PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM nhấn mạnh: "Về chuyên môn chúng tôi không chấp nhận thuốc lá nào thay thế hút thuốc. Nhưng có một nhóm người không thể mặc kệ họ hút thuốc lá mà không có biện pháp hỗ trợ, kể cả khi cai nghiện thất bại. Ví dụ bệnh nhân COPD không thể cai thì có thể chuyển sang một số sản phẩm giảm thiểu tác hại. Tuy nhiên bước thứ nhất phải chứng minh là sản phẩm cho phép giảm tác hại".
Gần đây, hơn 100 chuyên gia quốc tế của các nước có tầm ảnh hưởng toàn cầu, như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Ireland, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines… đã có “Thư ngỏ” kêu gọi chính phủ các nước chấp nhận giải pháp giảm tác hại thuốc lá. Trong phần khuyến nghị của mình, các chuyên gia đã ký tên và yêu cầu đại diện của các quốc gia áp dụng cách tiếp cận “Giảm tác hại thuốc lá" (Tobacco Harm Reduction) như một phần của chiến lược toàn cầu để chống lại các bệnh không lây nhiễm (NCD), đánh giá các sản phẩm thay thế có chứa nicotin là ít gây hại hơn cho người hút thuốc lá, trong đó có thanh thiếu niên.