Quang cảnh buổi tập huấn của Bộ Nội vụ và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
Theo đó, từ nay đến hết tháng 12/2022, các điều tra viên của Bưu điện Việt Nam sẽ tiến hành điều tra, thu thập thông tin khảo sát về sự hài lòng của người dân với cơ quan hành chính tại gần 37.000 hộ gia đình trên 63 tỉnh, thành phố.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Chính phủ, việc khảo sát, đo lường cảm nhận của người dân và các tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước mang ý nghĩa chính trị rất lớn. “Đây là một trong những kênh thông tin, dữ liệu quan trọng để phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là đổi mới, cải cách dịch vụ hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Thông qua đợt điều tra này, công dân cũng phát huy vai trò, khả năng và trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng bộ máy hành chính của địa phương”, ông Hùng nhấn mạnh.
Năm 2022, Bộ Nội vụ cùng Bưu điện Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ đổi mới việc điều tra nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, sát với nhận định, đánh giá thực tế của người dân. Khác với những năm trước, các điều tra viên khảo sát, điều đối với những người dân trực tiếp tham gia giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả tại cơ quan hành chính, thì năm 2022 việc khảo sát hướng đến các đối tượng rộng hơn là những người dân nói chung ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, bộ câu hỏi cũng được cải tiến và mang tính chất toàn diện hơn và liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở, đó là ý kiến của người dân về cơ chế, chính sách của địa phương như các chính sách về kinh tế xã hội, các chính sách liên quan đến cung ứng dịch vụ công.
Việc chọn mẫu sẽ tuân thủ theo phương pháp chọn mẫu khoa học, ngẫu nhiên phân tầng, theo đặc điểm của đơn vị hành chính để vừa đảm bảo tính đại diện cũng như số lượng, cơ cấu mẫu phù hợp với thực tế. Việc phát phiếu, thu phiếu đảm bảo tuyệt đối tính khách quan, trung thực, hoàn toàn không có sự định hướng hay can thiệp, chỉ định cách trả lời đối với bất kì người dân nào.
Ông Phạm Minh Hùng khẳng định, trả lời phiếu là hoàn toàn tự nguyện, người dân được thoải mái bày tỏ chính kiến, cảm nhận của mình đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương, từ thái độ phục vụ của nhân viên hành chính, cơ sở vật chất… Những năm trước người dân nhận phiếu và trả lời thông tin luôn thì năm nay sau khi điều tra viên của Bưu điện Việt Nam phát phiếu tại từng hộ gia đình, người dân sẽ có 1-2 ngày cân nhắc, suy nghĩ, trao đổi với các thành viên trong gia đình để trả lời thông tin trong phiếu. Khi hoàn thành, nhân viên Bưu điện sẽ quay lại từng nhà để nhận lại kết quả điều tra.
Mặc dù thời gian điều tra không còn nhiều, nội dung điều tra có sự thay đổi, tuy nhiên theo ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với kinh nghiệm nhiều năm tham gia điều tra xã hội học, đặc biệt là việc khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, lực lượng điều tra viên của Bưu điện các tỉnh thành phố quyết tâm sẽ hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công việc được giao.
“Bưu điện Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, việc tổ chức triển khai trong năm 2022 sẽ tiếp tục được tổ chức bài bản hơn, gắn trách nhiệm cụ thể cho các cấp. Bưu điện cấp xã là đơn vị thực hiện, cấp huyện là đơn vị trực tiếp chỉ đạo triển khai và cấp tỉnh đơn vị chủ trì điều hành. Giám đốc các Bưu điện tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng phiếu thu thập, để đảm bảo tính khách quan, chính xác, sát với thực tế”, ông Cường cho biết thêm./.