Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận về những nội dung thông tin trong truyền thông, nhất là các giá trị văn hóa, tính chân - thiện - mỹ trong truyền thông.
Thứ trưởng Trần Đức Lai cho rằng, chúng ta cần chỉ ra cái được và chưa được của thông tin truyền thông trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, đề ra những định hướng, giải pháp cụ thể.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho rằng, nội dung của đề án mới đánh giá bối cảnh trong nước mà chưa đánh giá bối cảnh quốc tế. Do đó, đề án cần đánh giá thêm về bối cảnh quốc tế và ảnh hưởng của nó đối với văn hóa Việt Nam. Về mục tiêu của đề án, ông Tuấn cho rằng, Ban soạn thảo cần xây dựng thêm các chỉ tiêu riêng của mình cho phù hợp hơn là lấy những mục tiêu đã được phê duyệt trước đó.
Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, lĩnh vực xuất bản đã có sự phát triển rõ rệt. Do vậy, trong dự thảo đề án cần đánh giá tổng thể và đề ra mục tiêu rõ nét hơn về xuất bản, in và phát hành.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Hương Giang cũng cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, lĩnh vực phát thanh, truyền hình đã đạt được miêu tiêu về hiện đại hóa công nghệ. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, sắp xếp trong lĩnh vực này chưa được thực hiện, chưa đề án quy hoạch nào được phê duyệt…
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Đức Lai đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung theo những ý kiến góp ý của đại biểu là đại diện lãnh đạo đơn vị của Bộ, cho phù hợp với sự phát triển của thực tế. Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm đặc thù của lĩnh vực thông tin truyền thông.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay hệ thống truyền hình ở nước ta đã phát triển tương đối nhanh (đặc biệt là truyền hình trả tiền), người dân đã được quyền lựa chọn nhiều hơn, điều này góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, lĩnh vực này đã tận dụng được công nghệ mới để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước hoàn thiện khá tốt (Luật Xuất bản, Nghị định 72,…).
Hiện nay, thông tin cơ sở có vai trò rất quan trọng trong hệ thống thông tin đại chúng, tuy nhiên điều này chưa được đề cập đến trong dự thảo. Để nâng cao hiệu quả lĩnh vực này, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ thống thông tin truyền thông cơ sở vào dự thảo…/.