Ca phẫu thuật tim bẩm sinh được kết nối từ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang với Bệnh viện Nhi Trung ương.
Dễ dàng được chuyên gia đầu ngành tư vấn
Kết nối khám, chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện: Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, E với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều bệnh nhân nặng ở địa phương đã khỏi bệnh mà không phải chuyển lên tuyến trên. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện E hội chẩn từ xa cứu sống ca bệnh phình động mạch chủ bụng.
Bệnh nhân là ông Trần Văn T, ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế). Qua thăm khám, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện ông bị phình động mạch chủ bụng hình túi, kích thước 45x79 mm, có huyết khối trong lòng mạch nguy cơ vỡ, đe dọa tính mạng. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên hệ với kíp bác sĩ đầu ngành về tim mạch của Bệnh viện E.
Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện E, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng và các đồng nghiệp đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân. Ông Trần Văn T bày tỏ: “Nếu phải chuyển lên tuyến trên, có thể tôi sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng trên đường di chuyển. May mắn qua hội chẩn trực tuyến, tôi được cứu sống".
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức 77 buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa. Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Tại các buổi hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhóm bác sĩ trực tiếp tham gia có cơ hội trau dồi, nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì đây là giải pháp hiệu quả để bảo đảm phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".
Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết nối phẫu thuật từ xa với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đàm Văn Hưng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, hằng tuần, Bệnh viện đều phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương kết nối khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, trong tình huống khẩn cấp, kíp trực có thể trao đổi, hội chẩn, nghe tư vấn trực tuyến từ các bác sĩ chuyên khoa phụ sản đầu ngành.
Là một trong những cơ sở tuyến huyện đầu tiên tham gia khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn đánh giá mô hình này rất hiệu quả đối với các địa phương miền núi, xa các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa bàn phong tỏa, khó di chuyển.
Bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất. Bác sĩ tuyến dưới được “cọ xát” với những căn bệnh ít gặp hoặc khó phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân cũng được tham gia nghe hội chẩn trực tuyến nên yên tâm điều trị.
Kết nối toàn quốc
Với hệ thống khám chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối. Trong các buổi hội chẩn thường quy, ngoài giải quyết ca bệnh cụ thể, các bác sĩ tuyến trên sẽ khái quát hướng xử trí, đồng thời lồng ghép đào tạo, tập huấn, giảng dạy online giúp tuyến dưới nhanh chóng phát hiện dấu hiệu lâm sàng, đọc kết quả xét nghiệm, hình ảnh chẩn đoán chính xác.
Tỉnh Bắc Giang có 16 bệnh viện và trung tâm y tế thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Các cơ sở có hệ thống phòng khám, hội chẩn, phẫu thuật liên thông với các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến trung ương. |
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 16 bệnh viện và trung tâm y tế tham gia khám, chữa bệnh từ xa bằng hệ thống. Các cơ sở có hệ thống phòng khám, hội chẩn, phẫu thuật liên thông với các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến trung ương, từng bước đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel tặng Trung tâm Y tế huyện Sơn Động và Trung tâm Y tế huyện Yên Thế hệ thống hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.
Giai đoạn 2021-2022, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh tập trung phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương khám, chữa bệnh từ xa ở các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, hô hấp, tim mạch, ngoại, sản, truyền nhiễm. Tuy nhiên, hệ thống đường truyền, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ xa ở một số cơ sở y tế chưa đồng bộ.
Có đơn vị chỉ kết nối được các thiết bị ở phòng khám, chưa đồng bộ liên thông trực tuyến tại phòng mổ. Các bệnh viện đều phải bố trí nhân lực làm nhiệm vụ chống dịch nên nhiều thời điểm khó tiếp nhận, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật mới. Một số bác sĩ đầu ngành hồi sức tích, truyền nhiễm tăng cường làm nhiệm vụ điều trị Covid-19 tại các trung tâm hồi sức tích cực (ICU) hàng đầu của cả nước, chưa có nhiều thời gian hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian tới, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục đầu tư trang thiết bị, kết nối trực tuyến đồng bộ vào hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến toàn quốc. Tranh thủ thời điểm dịch bệnh tạm lắng, các bệnh viện chủ động phối hợp với các bệnh viện đầu ngành tổ chức hội chẩn trực tuyến, nhất là hội chẩn ca bệnh khó, trường hợp đặc biệt để khái quát, hệ thống chuyên môn, nâng cao năng lực điều trị”.