Phương tiện được ngư dân sử dụng để khai thác nghêu, sò huyết giống
Tại xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải và phường 2 ở thị xã Vĩnh Châu, những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện hàng chục, thậm chí đến cả trăm phương tiện không chỉ của người dân địa phương mà còn có các tỉnh lân cận với Sóc Trăng đang tập trung khai thác tại các bãi nghêu và sò huyết giống. Đáng nói hơn, là nhiều người còn vào tận phía trong của rừng phòng hộ mới được trồng (chỉ khoảng 1 năm tuổi) để cào bắt nghêu, sò huyết giống, với đủ loại phương tiện từ đánh bắt thô sơ đến cả động cơ có công suất lớn. Hậu quả, những dải rừng còn non tuổi, cây đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt đã bật gốc, gây thiệt hại nặng nề tới môi trường, hệ sinh thái nơi đây.
Được biết, mùa nghêu, sò huyết giống trên địa bàn thị xã ven biển Vĩnh Châu thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm và kéo dài khoảng 3 tháng. Những người khai thác nghêu giống theo dọc bãi biển tỉnh Sóc Trăng có cả bà con địa phương và người dân từ tỉnh ngoài. Khi thủy triều xuống, bà con cào bằng thủ công, còn khi thủy triều lên thì sử dụng bằng máy hút hoặc sử dụng ghe cào trực tiếp. Do phương tiện máy hút công suất lớn, mỗi lần sục phải cắm xuống bãi bùn sâu gần cả mét mới bắt được nghêu giống nên họ sục tới đâu thì rừng non bị ảnh hưởng tới đó.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu Võ Văn Tường cho biết, bà con bắt đầu khai thác nghêu từ cuối tuần trước. Qua kiểm tra phát hiện một số phương tiện đã vào tận trong khu vực rừng phòng hộ để khai thác. Khi sử dụng những phương tiện có công suất lớn thì bùn hút lên rất mạnh và có độ sâu; trong khi những cánh rừng phòng hộ còn non, bộ rễ còn ít, phát triển chưa hoàn thiện, nếu hút sâu quá cây sẽ bị bong tróc rễ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng Trương Văn Mưa cũng chia sẻ: Để bảo vệ rừng, những ngày qua, lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan xuống các bãi khai thác để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở trực tiếp để bà con hạn chế và không vào khai thác nghêu trong khu rừng phòng hộ; đặc biệt là rừng vừa trồng mới./.