Xác định CĐS là xu thế tất yếu, động lực để phát triển, tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 111 về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết xác định rõ các mục tiêu cụ thể về xây dựng chính quyền số; kinh tế số; xã hội số; xác định lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chuyển đổi số; chỉ đạo xây dựng chuyên mục về chuyển đổi số để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua bản tin sinh hoạt chi bộ; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Ký kết hợp tác triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các doanh nghiệp như: VNPT, Viettel, FPT.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Sở TT&TT tham mưu với UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản về kiến trúc, đề án, kế hoạch chiến lược 5 năm, kế hoạch hằng năm về CĐS, phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực vào phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
Trong quý III/2022, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để cụ thể hóa văn bản do T.Ư ban hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh như: Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công theo phương thức trực tuyến; Quyết định số 2696/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục TTHC thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 2834/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục các nền tảng số quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022; Quyết định số 2876/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 364/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…
Qua thực hiện các văn bản trên, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu trong CĐS và xây dựng chính quyền điện tử; cũng thuộc nhóm tỉnh đầu tiên gửi - nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp, tỉnh phấn đấu duy trì trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó, đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% TTHC từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO.
Duy trì, quản trị, vận hành hiệu quả Trung tâm Tích hợp dữ liệu, hệ thống hội nghị truyền hình, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng WAN hoạt động ổn định, thông suốt đáp ứng 24/7 để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành và giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị.
Công an tỉnh, Sở TT&TT đã phối hợp với UBND các huyện, TP, các đơn vị có liên quan triển khai lắp đặt, kết nối 789 camera trên phạm vi toàn tỉnh, 10/10 Trung tâm giám sát cấp huyện với Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu của tỉnh. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Các hệ thống dùng chung, truyền hình trực tuyến được triển khai đầy đủ. Tỉnh đã vận hành Kho dữ liệu số; đang xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh.
Kinh tế số của tỉnh bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới (thương mại điện tử, dạy học online, khám, chữa bệnh từ xa…); có sự chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Hiện toàn tỉnh có 1.690 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông (trong đó có 630 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử; 34 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; 938 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và 88 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT).
Với nhiệm vụ của ngành, trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ thành lập 312 doanh nghiệp công nghệ số; tổ chức 5 khóa đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Giang tham gia vào Chương trình CĐS doanh nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản giao dịch ngân hàng (đối với cá nhân, đơn vị chưa có tài khoản) và được Sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng, đưa lên sàn giao dịch nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa của tỉnh.
Xã hội số đã được quan tâm thực hiện tốt, tỉnh Bắc Giang đang tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu xây dựng mạng Internet cáp quang đến 100% hộ gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1,8 triệu thuê bao điện thoại, 1,7 triệu thuê bao Internet truy cập Internet tốc độ cao 3G, 4G; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đạt 72%; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thành phố đã cung cấp điểm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân về CĐS và công nghệ số; 47,85% các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 85% (17/20) ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử; 9,07% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Bắc Giang cũng là tỉnh sớm thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng kỹ năng số. Toàn tỉnh đã thành lập 209/209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1891/1891 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn (đạt 100%) với khoảng 16 nghìn thành viên.
Để công tác CĐS đạt hiệu quả, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông làm thay đổi nhận thức cộng đồng, tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân để hình thành công dân số, thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, năm 2023 tỉnh tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; cập nhật, duy trì kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang phiên bản 2.0, kiến trúc tham chiếu ICT đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang, phiên bản 1.0; xây dựng Quy chế tích hợp, kết nối, liên thông phục vụ chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ cao, thương mại điện tử...
Phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS; xây dựng quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, ưu tiên đãi ngộ cho công chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý điều hành để phát triển chính quyền số, đặc biệt quyết liệt triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành trung tâm trong quá trình CĐS. Ưu tiên CĐS trên 9 lĩnh vực (y tế; giáo dục; tài nguyên và môi trường; công nghiệp và thu hút đầu tư; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; tư pháp và tố tụng); triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo ra các phát triển đột phá về công nghệ.
Phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng WAN, truyền số liệu chuyên dùng theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp viễn thông mở rộng, nâng cao chất lượng đường Internet cáp quang băng rộng; phủ sóng di động trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng hệ thống họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến xã.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đẩy nhanh CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của tỉnh. Hỗ trợ công tác đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới; tuyên truyền giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ CĐS và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về CĐS.
Cùng đó tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, cập nhật ứng dụng CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về CĐS, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh quy mô cấp tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ CĐS; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu CĐS.