Huy động sức mạnh xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, 06/05/2023 11:59

Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do nhà nước và nhân dân cùng chung sức, chung tay thực hiện. Chính vì vậy, trong chặng đường hơn 10 năm qua, huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) luôn làm tốt công tác dân vận để tuyên truyền, phát huy sức mạnh tập thể từ chính người dân địa phương.

nt25.jpg

Theo Phó Chủ tịch huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, sau 5 năm thực hiện, tính đến năm 2015, huyện được TP. Hà Nội công nhận 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước đó, khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao... nên đời sống của nhân dân địa phương còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. 

Huyện Thanh Trì đã lấy phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông để làm khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Điển hình như năm 2011, huyện đã thí điểm mô hình làm đường giao thông ngõ xóm theo phương châm Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân tổ chức thi công tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, với tuyến đường dài hơn 2.000 m. Chương trình đã nhận được sự đồng lòng, góp công, góp sức của người dân, tổng kinh phí thực hiện tuyến đường chỉ còn 7,6 tỷ đồng, giảm khoảng 2,4 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt.

Từ điểm sáng này, phong trào xã hội hóa, huy động sức dân vào cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn huyện và phù hợp với tình hình cụ thể của từng xã. Sau 5 năm phát động thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã xây dựng được hơn 160 km đường giao thông nông thôn, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng so với dự toán. Người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 200.000 ngày công và hiến hơn 11.000 m2 đất.

Thanh Trì còn là địa phương đầu tiên của TP. Hà Nội thực hiện thành công xã hội hóa đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Vạn Phúc với công suất 1.500 con lợn/ngày đêm, qua đó đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả.

Những thành quả này chính là nền tảng để huyện Thanh Trì tiếp sức và có động lực phấn đấu bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân địa phương. Đến nay 15/15  xã của Thanh Trì đều đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch của huyện và chỉ tiêu đăng ký với Thành phố và về đích trước 2 năm.

Là một trong những xã làm tốt công tác trên, Chủ tịch xã Vạn Phúc Chử Mạnh Thắng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xã đã huy động được sức người, sức của, góp phần mang lại hiệu quả cho chương trình. 

Toàn bộ các tuyến đường trục thôn, đường liên thôn trên địa bàn xã đã được bê tông hoá, nhựa hóa; các nút giao của đường trục xã với đường liên xã, các điểm trường học, công sở trên đường liên xã đều được bố trí hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc theo quy định và được bảo trì hàng năm theo quy định. Các tuyến đường liên xã qua địa  bàn xã và các tuyến đường thôn được trồng cây xanh đảm bảo cảnh quan môi trường.

Xã có 4 thôn đều đạt 100% có nhà văn hóa và được trang bị đầy đủ trang thiết bị âm thanh loa máy, bàn ghế.... là nơi tổ chức hội họp cho người dân khoảng từ 150-200 người tham dự. Đồng thời, có sân thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ… của nhân dân trong thôn. 

Chia sẻ kinh nghiệm về việc huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Vạn Phúc cho biết, trước hết, để chương trình được thành công, cần phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và xác định rõ nhiệm vụ từ xã đến thôn để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt là việc tuyên truyền phải sâu rộng để nhân dân đồng thuận là cực kỳ quan trọng.

Đồng thời, phải thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện, để nhân dân được biết, được bàn, được làm, được đóng góp và được hưởng thụ thành quả. Cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực sự đoàn kết, gắn bó, cấp ủy, chính quyền phải tạo được sự tin tưởng của nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua "Dân vận khéo" như: Khéo 5 nội dung trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, phong trào "5 không, 3 sạch", phong trào xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc; phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập…

Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội: Thanh Trì đang trong lộ trình phát triển từ xã thành phường, từ huyện thành quận, tuy vậy địa phương vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chung sức của người dân đã đóng góp vào thành công của xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.

theo chinhphu.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top