Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (trái) tiếp nhận thiết bị học tập từ đơn vị tài trợ. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng phương án hỗ trợ, triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh chưa có máy vi tính để học trực tuyến.
Chương trình sẽ hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh có bố hoặc mẹ mất do dịch COVID-19, nhưng chưa có máy tính để học tập trực tuyến.
Hai bên thường xuyên phối hợp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng chương trình trên toàn tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (trái) tiếp nhận thiết bị học tập từ đơn vị tài trợ. Ảnh: TTXVN phát
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, yêu cầu đặt ra là việc tổ chức thực hiện Chương trình phải đảm bảo thiết thực, kịp thời, đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của học sinh; huy động nguồn lực để hỗ trợ học sinh trên toàn tỉnh đủ điều kiện học tập trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Các thiết bị, dịch vụ được trao tặng cần bảo đảm đúng thành phần, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả hỗ trợ quá trình học tập của học sinh. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp tổ chức huy động hiệu quả nguồn lực, thực hiện một số mô hình hỗ trợ thí điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần bảo đảm hoàn thành chương trình học tập trong bối cảnh đại dịch COVID-19, không để học sinh nào ''bị bỏ lại phía sau''…
Theo kế hoạch đến giữa tháng 10/2021, tỉnh sẽ phủ sóng 100% các điểm chưa có kết nối Internet tại các địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đến cuối năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc nâng cấp đường truyền Internet tại tất cả các địa phương, bảo đảm cho việc dạy và học trực tuyến. Đồng thời, Cà Mau dự kiến huy động 4.500 máy tính hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19... nhưng chưa có máy tính để học tập trực tuyến.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cùng đại diện Viettel tại Cà Mau trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh đặc biệt khó khăn. Ảnh: TTXVN phát
Chương trình ‘‘Sóng và máy tính cho em’’ sẽ hỗ trợ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí data 4Gb/ngày cho khoảng 7.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng chưa có máy tính để học trực tuyến. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.
Từ năm học 2022 - 2023 trở đi, tỉnh tiếp tục phát động Chương trình ‘‘Sóng và máy tính cho em’’ để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh được trang bị máy tính để có thể học trực tuyến./.