Chuyển đổi số trong xuất bản là mục tiêu toàn ngành hướng tới trong năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trang.
2021 là năm giới làm sách tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Khi sách không phải mặt hàng thiết yếu, toàn ngành đứng trước hàng loạt thách thức. Tuy vậy, người làm công tác xuất bản vẫn nỗ lực tìm ra hướng đi và thu về những thành tựu nhất định. Đại diện một số đơn vị xuất bản, phát hành cũng đề xuất các biện pháp cần khắc phục cho năm mới 2022.
Nhìn lại hoạt động xuất bản năm 2021
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm qua, đơn vị của ông đã có nhiều hoạt động tích cực như: Xuất bản cuốn Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia phục vụ đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia trưng bày sách giấy và ebook tại sự kiện (trên 200 đầu sách với 1.000 bản). 100 đầu ebook về nhiều chủ đề. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện triển khai Hội sách trực tuyến Quốc gia năm 2021 chào mừng ngày Sách Việt Nam lần thứ tám và triển lãm sách trực tuyến nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Trong năm qua, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tập trung cải tiến và giới thiệu sách trên sàn thương mại điện tử sách giấy (Book365.vn) và nền tảng xuất bản điện tử (ebook365.vn); đưa kế hoạch chuyển đổi số vào chương trình hành động “Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển của nhà xuất bản”.
Đặc biệt, cuốn Cẩm nang phòng, chống Covid-19 trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (sách giấy và ebook) của đơn vị này đã thực sự tạo tiếng vang khi ghi nhận số lượng người đọc lên tới trên 120.000. Cuốn sách còn được một số bộ, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành đăng tải và phổ biến rộng rãi.
Ông Trần Chí Đạt cũng cho biết thêm, trong số 601 đầu sách mà đơn vị mình đã thực hiện trong năm qua, 319 là số lượng sách giấy và ebook là 282.
“Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, số đầu sách được xuất bản của đơn vị chúng tôi vẫn vượt kế hoạch năm. Tổng số ebook đạt 47%, trong khi kế hoạch được giao là 40%”, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho hay.
Mỗi năm, Thái Hà Books đều có một slogan. Năm 2020, slogan của đơn vị này là “Vươn xa”. Năm 2021, dự đoán trước được tình hình khó khăn do dịch bệnh, đơn vị lấy slogan là “Vượt bão” với mong muốn vượt lên những thách thức.
Bà Nguyễn Hương - Phó Giám đốc Thái Hà Books thông tin, trong năm 2021, trọng tâm là phát triển sách chất lượng cao, sách giới hạn và sách bản đặc biệt. Bên cạnh phiên bản giới hạn của một số cuốn sách tham gia đấu giá ủng hộ bệnh viện chống dịch, Thái Hà Books kết hợp bác sĩ Trần Quốc Khánh (tác giả cuốn sách độc bản Nơi ánh sáng không bao giờ tắt) tổ chức thành công phiên đấu giá và thu về 160 triệu đồng ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống đại dịch Covid-19.
“Việc tham gia sàn Book365 trong Hội sách trực tuyến cũng tạo được những dấu ấn nhất định. Trước đó, chúng tôi đã cùng 5 đơn vị xuất bản và phát hành khác lần đầu tiên tổ chức Hội sách xuyên Việt với các chương trình, sự kiện giao lưu tác giả, văn hóa kết hợp giới thiệu sách và mang lại kết quả tốt”, bà Hương chia sẻ.
Đặc biệt, đơn vị này còn tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfrurt trực tuyến năm 2021 (có gian trưng bày sách và giao dịch bản quyền). Phó Giám đốc Thái Hà Books cũng cho hay: “Mới đây, chúng tôi đã mời bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và bà Simone Buehler - Giám đốc dự án Khách mời danh dự giao lưu với bạn đọc Việt Nam. Sự kiện mang đến thông tin bổ ích và hứa hẹn cơ hội hợp tác lớn cho Việt Nam”.
Bên cạnh những chương trình trao sách đến tay người dân, Thái Hà Books cũng gửi tặng thư viện huyện Lương Sơn, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Sơn (Hòa Bình), Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình hàng nghìn cuốn sách, đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển “Tủ sách gia đình”, “Tủ sách cơ quan”, mang sách đến hàng chục tủ sách trên cả nước.
Đón đầu chuyển đổi số trong năm 2022
Theo ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc điều hành Alpha Books, năm 2021 tiếp diễn những khó khăn của 2020. Phương châm của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh là “sống sót”. Ngành xuất bản nói chung và mỗi đơn vị xuất bản, phát hành nói riêng (kể cả nhà nước và tư nhân) cũng không ngoại lệ. “Điều này vô tình dẫn đến sự chuyển đổi của kỷ nguyên số. Mọi đơn vị đều phải thích nghi và cải cách để tổ chức lại bộ máy, con người, sản phẩm, nhằm đáp ứng xu thế không thể đảo ngược của cuộc cách mạng 4.0”, ông Đại nêu quan điểm.
Đồng thời nhấn mạnh, doanh thu bán sách online tăng mạnh là chỉ số chứng minh cho sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của giới xuất bản trong nước. “Trong nguy cơ luôn có cơ hội. Dịch bệnh chính là cú hích mạnh mẽ cho sự chuyển dịch, đồng thời cũng là thành tựu của ngành xuất bản trong năm 2021”. Ông Vũ Trọng Đại cũng nhận định, toàn ngành cần tiếp tục vượt qua các rào cản tư duy để “bắt kịp con tàu công nghệ đang sầm sập lao đi mà không chờ đợi bất kỳ ai trên hành trình tăng tốc của nó”.
Mỗi đơn vị xuất bản có cách tổ chức và vận hành riêng. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ càng nhiều, việc phát sinh các vấn đề sở hữu trí tuệ càng lớn. Do đó, ông Đại đề xuất các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực xuất bản cần đẩy mạnh xây dựng, ban hành các chế tài đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền.
Mới đây, Việt Nam chính thức nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam
Á nhiệm kỳ 2022 - 2023. Đây cũng là cơ hội để ngành xuất bản Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Theo bà Nguyễn Hương, khi đảm nhiệm chức vụ này, ngành xuất bản có thể tận dụng cơ hội để thúc đẩy các hoạt động mua bán bản quyền, quảng bá văn hóa và con người Việt Nam thông qua hoạt động xuất bản, đồng thời kết nối và tạo sân chơi lớn cho ngành xuất bản trong khu vực.