Theo nhóm soạn thảo cẩm nang, Covid-19 là một biến cố không mong muốn và ảnh hưởng tới mọi hoạt động của xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực, Covid-19 cũng góp phần xóa bỏ nhiều thói quen cũ và giúp những phương pháp giáo dục mới, hiện đại như học trực tuyến, dạy trực tuyến, ứng dụng phần mềm vào giáo dục được tiếp nhận nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Với cẩm nang mới ra mắt, nhóm soạn thảo mong muốn sẽ hỗ trợ giáo viên, học sinh và cha mẹ tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận biết các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng nói chung, trong quá trình dạy, học trực tuyến nói riêng. Qua đó, có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ lớp học của mình trên không gian mạng.
Tại cẩm nang, bên cạnh việc trang bị cho người dùng kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị dạy, học trực tuyến, nhóm soạn thảo cũng hướng dẫn cụ thể giáo viên, phụ huynh và học sinh sử dụng an toàn các phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến phổ biến hiện nay gồm Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Trans, Zavi, Jitsi.
Nhóm soạn thảo khuyến nghị để học trực tuyến an toàn, người dùng chỉ tải và cài đặt phần mềm từ địa chỉ tin cậy, thông qua kho ứng dụng hoặc trang chủ của nhà phát triển.
Khi học sinh sử dụng chung máy tính để học tập, cha mẹ nên tạo riêng tài khoản cho từng bạn và chỉ cài đặt phần mềm cần thiết, không cho phép cài đặt, sử dụng các phần mềm khác. Riêng với các em nhỏ, cha mẹ cần theo sát hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ con em sử dụng các phần mềm để tham gia vào lớp học trong những buổi đầu tiên.
Cha mẹ cũng như học sinh không chia sẻ thông tin về lớp học trên các kênh thông tin công khai. Khi tham gia cần đặt theo tên của học sinh, hoặc đặt theo hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, không mở đường dẫn và tập tin lạ xuất hiện trên lớp học mà không phải do giáo viên chia sẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ và học sinh cần dành thời gian để kiểm tra, cập nhật ứng dụng đang sử dụng để học trực tuyến khi có phiên bản mới. Với trường hợp sử dụng trình duyệt web trên máy tính hoặc điện thoại để tham gia lớp học, cần lưu ý cập nhật phiên bản trình duyệt web.
Đối với phần mềm cài trên điện thoại di động việc cập nhật phiên bản phần mềm có thể thực hiện thông qua App Store (Iphone), CH Play (Android). Khi có phiên bản mới, người dùng sẽ được thông báo để cập nhật. Với máy tính, thông thường các phần mềm sẽ báo khi có phiên bản mới, có thể cập nhật ngay hoặc để sau.
Đáng chú ý, trong cẩm nang, với từng phần mềm Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Trans, Zavi hay Jitsi, phụ huynh và học sinh đều được khuyến nghị 3 lưu ý để học trực tuyến an toàn. Đơn cử như, với Zoom, người dùng được khuyên sử dụng ID ngẫu nhiên, tránh chia sẻ tệp tin của các lớp học và kiểm tra, cập nhật phiên bản phần mềm.
Còn với người dùng phần mềm Jitsi, ngoài việc kiểm tra và cập nhật phần mềm, phụ huynh và học sinh được lưu ý xác định đúng thông tin liên quan đến lớp học cần tham gia, cảnh giác với các đường link lạ và nội dung được chia sẻ.