Trong xây dựng chính quyền số, UBND thành phố Hưng Yên đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, chất lượng đời sống cộng đồng trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Công nghệ số được ứng dụng góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; tạo nền tảng, cơ sở hoàn thiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng kỹ thuật của thành phố cơ bản bảo đảm các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung với 100% phòng, ban, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc. 100% máy tính có kết nối mạng internet và mạng nội bộ, sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử; 100% văn bản đi/đến được số hóa, lưu trữ, luân chuyển, xử lý điện tử. Đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố Hưng Yên và các xã, phường đều được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với 100% cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; sử dụng chữ ký số để chỉ đạo, điều hành công việc…
Cùng với chính quyền số, nền kinh tế số cũng được hình thành với các sản phẩm OCOP và nông sản thế mạnh của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá trên các trang mạng xã hội. Nhiều nông dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; hàng trăm doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Sau tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để thích nghi với tình hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ; cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành, sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sử dụng các công nghệ số hiện đại như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, big data, IoT... để phân tích dữ liệu, biến đổi và nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Toàn tỉnh hiện nay có 380 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...
Không nằm ngoài xu thế, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số trong sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều khu vực canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: hệ thống tưới nước tự động; hệ thống điều khiển vi khí hậu trong trồng trọt, chăn nuôi; dán tem truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn, sendo.vn, shopee.vn…
Cùng với sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số trong thanh toán cũng không ngừng phát triển. Hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính tại các sở, ngành, địa phương, đã hình thành một nền tảng sẵn có, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính. Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa tỉnh đã kết nối 984 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn điện tử trên môi trường mạng giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 99%...
Để chuyển đổi số thành công, cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, trong đó quan trọng nhất là người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cần nhận thức đúng, đầy đủ về chuyển đổi số, từ đó quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” để thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...
Ngày chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên năm 2022 (10.10) có chủ đề “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp” với chuỗi các hoạt động, sự kiện diễn ra trong tháng 10.2022 là dịp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và cùng hành động để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thiết thực, hiệu quả.