Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục TTĐN cho biết: Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự bùng nổ của CNTT, truyền thông và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng, nhanh chóng, cả tích cực lẫn tiêu cực đến đời sống của người dân các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hợp tác xây dựng nền tảng xuyên biên giới quảng bá hình ảnh Việt Nam
Thứ năm, 01/10/2020 10:51
Đây là một trong những giải pháp phát triển thông tin đối ngoại (TTĐN) được Cục TTĐN, Bộ TT&TT trình bày tại Đại hội Đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngày 18/8/2020 tại Hà Nội.
Trong khi đó, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; đại dịch Covid -19 đang hoành hành tại trên 200 quốc gia trên thế giới, gây thiệt hại lớn chưa từng có trong lịch sử với hàng chục triệu người nhiễm bệnh và gần một triệu người chết. Kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng; xuất nhập khẩu v.v... do sự tác động đại dịch Covid-19; chiến tranh thương mại; cạnh tranh nước lớn và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng v.v... là những vấn đề mà cả thế giới đang phải đối mặt. Cũng với đó, tình hình biển Đông vẫn diễn biến hết sức khó lường.
Những vấn đề này, theo đại diện Cục TTĐN, đặt ra cho ngành TT&TT nói chung và công tác TTĐN nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề là làm sao để đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển lĩnh vực thông tin tuyên truyền, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như nhu cầu thụ hưởng của người dân về các dịch vụ: Bưu chính; Viễn thông; Ứng dụng CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT và Báo chí, truyền thông.
Nhận thức rõ được điều này, Đảng Bộ Cục TTĐN nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ đạo toàn Cục quyết tâm phấn đấu, cùng với các đơn vị làm TTĐN của các bộ, ban ngành, địa phương đưa sự nghiệp TTĐN lên một tầm cao mới, trong đó tập trung 03 nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, xây dựng và kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTĐN; Phát huy vai trò điều phối, cầm nhịp hoạt động TTĐN toàn quốc; Đẩy mạnh hoạt động TTĐN, đặc biệt chú trọng kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác TTĐN.
Những nhiệm vụ và giải pháp phát triển TTĐN
Theo Cục TTĐN, khi đất nước ta càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì các thế lực thù địch, chống phá càng ra sức xuyên tạc, bôi nhọ hòng phủ nhận những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được, TTĐN phải thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, khẳng định những chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo đó, tuyên truyền cần tích cực, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, góp phần đấu tranh giữ vững từng tấc đất quê hương.
Tuyên truyền về quyền con người, về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam; đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam cần được đẩy mạnh.
Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài cần được quảng bá để bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ về Việt Nam, về những chính sách ưu việt; những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội; những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, theo Cục TTĐN, phải có rất nhiều nguồn lực, từ nhân lực, tài chính, công nghệ v.v... trong khi các nguồn lực phục vụ TTĐN hiện nay còn rất hạn chế.
Vì vậy, Đảng bộ Cục TTĐN xác định xu thế tất yếu là phải tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước vào phát triển TTĐN. Cục TTĐN đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như tăng cường hợp tác với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài vào đưa tin, tuyên truyền về Việt Nam bằng nguồn ngân sách của đối tác hoặc nguồn xã hội hóa. Năm 2019, Cục đã triển khai rất hiệu quả hình thức này. Cụ thể, Cục đã đón 14 đoàn phóng viên từ một số nước với tổng số 75 phóng viên vào đưa tin về Việt Nam mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục hướng đến hợp tác xây dựng các nền tảng xuyên biên giới phục vụ công tác quảng bá không sử dụng ngân sách, định hướng vào địa bàn trọng yếu, các đối tác chiến lược nhằm tăng cường thông tin đến với người dân các nước. Hiện tại, Cục đang duy trì trang vmusic.vn hợp tác với tập đoàn Naver Hàn Quốc (không sử dụng ngân sách nhà nước) nhằm tăng cường trao đổi văn hóa, âm nhạc đến giới trẻ hai nước rất hiệu quả.
Cục cũng tăng cường hợp tác với các công ty truyền thông sản xuất và khai thác các chương trình phát thanh truyền hình, các ấn phẩm, sản phẩm phục vụ TTĐN; các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, hội nghị, hội thảo v.v... không sử dụng ngân sách, nhằm quảng bá môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch v.v...
Các năm trước đây, Cục đã hợp tác Hãng phim Bình Dương, Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long; VTVCAB sản xuất và khai thác một số chương trình theo hình thức này rất tốt, từ sau đại dịch Covid-19, công tác này tạm gián đoạn do các đối tác gặp nhiều khó khăn.
Cục sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác, hợp tác xây dựng kênh truyền hình đối ngoại nhằm đưa vào hệ thống truyền hình vệ tinh của các quốc gia ở một số địa bàn trọng điểm, trong đó sử dụng một phần kinh phí nhà nước kết hợp kinh phí xã hội hóa và một số nhiệm vụ khác.
Để triển khai được những nhiệm vụ theo định hướng như trên, đại diện Cục TTĐN khẳng định: Cục sẽ tiếp tục phát triển nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, góp phần tích cực đưa sự nghiệp TTĐN lên một tầm cao mới.