Hợp tác với Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, PTIT đẩy mạnh đào tạo AI tại Việt Nam

Thứ năm, 20/08/2020 17:16

Được mệnh danh là Google của Hàn Quốc, Tập đoàn công nghệ Naver chính thức hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT), thuộc Bộ TT&TT để đẩy mạnh đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, xây dựng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu.

20200820-Nam-8.jpg
PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Phó Giám Học viện công nghệ BCVT (phải) và ông Park Dong Jin, Giám đốc Naver Phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trái) thay mặt Lãnh đạo tập đoàn ký Biên bản ghi nhớ
 
Ngày 20/8/2020, Naver chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Học viện Công nghệ BCVT để đầu tư, phát triển nghiên cứu, đào tạo AI tại Việt Nam.
 
Tại lễ ký kết, hai bên đã thống nhất nội dung hợp tác gồm: Tổ chức các khóa học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; Tổ chức chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên, theo đó, các sinh viên và giảng viên Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trao đổi do Naver sắp xếp.
 
Chương trình hợp tác cũng sẽ thúc đẩy chuyển giao và áp dụng các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ thế mạnh của Naver; Phát triển giáo trình mới và các chương trình đào tạo quốc tế; Cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực AI của PTIT; Tiến hành dự án đồng nghiên cứu giữa Naver và PTIT; …
 
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Giám đốc, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với chiến lược "Vành đai Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo toàn cầu" của Naver. "Các nhóm nghiên cứu của Học viện cũng rất hào hứng khi có cơ hội được hợp tác nghiên cứu với tập đoàn công nghệ số 1 được mệnh danh là Google của Hàn Quốc. Bởi lẽ, nhiều lĩnh vực Naver quan tâm nghiên cứu cũng là trọng tâm chính của các phòng nghiên cứu thuộc PTIT, đặc biệt là các phòng nghiên cứu Đa phương tiện (Multimedia Labs) và phòng nghiên cứu Học máy và ứng dụng - nơi đã tập trung vào lĩnh vực AI và Học máy ngay từ đầu".
 
PGS.TS. Đặng Hoài Bắc cũng cho biết: Học viện Công nghệ BCVT được thành lập từ năm 1997, trực thuộc Tập đoàn VNPT. Năm 2004, Học viện trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT Việt Nam, là trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ, cũng là đơn vị nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực trọng điểm của ngành TT&TT nước nhà. Đây cũng là lý do mà Naver lựa chọn PTIT là một trong những đối tác chiến lược phát triển "Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu".
 
Ông Park Dongjin, Giám đốc Naver Phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Quyết định hợp tác với Học viện Công nghệ BCVT nằm trong kế hoạch từ lâu của Naver bởi Học viện là cơ sở đào tạo nhân lực CNTT hàng đầu tại Việt Nam và thế hệ trẻ Việt Nam rất giỏi trong lĩnh vực CNTT".
 
Năm 2019, Naver công bố dự án Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu, xây dựng mạng lưới các phòng nghiên cứu AI ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và khu vực Đông Nam Á với trung tâm là Việt Nam. Thông qua "Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu", Naver sẽ kết nối các học giả, các trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp và các phòng nghiên cứu để trao đổi chuyên môn và hợp tác phát triển công nghệ AI.
 
Naver là tập đoàn công nghệ đa quốc gia với hơn 3.500 nhân sự trên khắp thế giới, sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần Hàn Quốc. Năm ngoái, theo Reuters, Naver thu về lợi nhuận ròng 583 tỷ won, tương đương 483 triệu USD. Hiện vốn hóa thị trường của tập đoàn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc là hơn 40 tỷ USD.
 
Từng nói về khả năng, giá trị của dữ liệu cũng như việc chia sẻ dữ liệu, bà Han Seong Sook - Chủ tịch tập đoàn Naver cho biết: "Chúng tôi hiểu rõ hơn bất cứ ai về khả năng và giá trị của dữ liệu (data), chúng tôi sẽ đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng dữ liệu. Tôi hy vọng tài nguyên dữ liệu Naver hiện đang nắm giữ sẽ được sử dụng một cách tự do trong công trình nghiên cứu công nghệ AI và nhiều ngành khác nhau".
 
Những hợp tác hiệu quả
 
Tại Hàn Quốc, Naver cũng đã có những hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, giao thông vận tải, y tế,... với các trường đại học, trong đó, nổi bật là hợp tác giữa Naver Business Platform (NBP) và trường Đại học Yonsei để xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến bằng công nghệ điện toán đám mây. Không chỉ vậy, thông qua việc chia sẻ công nghệ điện toán đám mây và AI, Naver còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật để cùng xây dựng Y-EdNet – nền tảng giáo dục mà Yonsei đang tạo ra để thâm nhập thị trường giáo dục quốc tế.
 
Hoặc như sự hỗ trợ của Tập đoàn Naver và công ty con Naver Business Platform khi cùng Viện Thông tin Nghiên cứu và Giáo dục Hàn Quốc – cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc xây dựng hệ sinh thái đào tạo AI và cải thiện môi trường giáo dục đào tạo từ xa.
 
Trong đại địch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng trong xã hội. Mới đây, ngày 10/8, Naver đã cung cấp Clova - Giải pháp trung tâm hỗ trợ khách hàng bằng công nghệ AI, cho 'Medi AI.r' - Dịch vụ chatbot hỗ trợ y tế của công ty start-up Weisure.
 
Không chỉ hỗ trợ khách hàng về nội dung như thời gian hoạt động của bệnh viện, bãi gửi xe, vị trí bệnh viện, thời gian tiếp nhận điều trị mà 'Medi AI.r' còn có thể xử lý các công việc cơ bản của trung tâm khách hàng như tiếp nhận đăng ký hẹn khám, hủy hẹn,… Điều này đã giúp giảm tải nhân lực cho các trung tâm y tế, cũng có thể giảm tiếp xúc trong cộng đồng.
 
Ngoài ra, Naver đang chuẩn bị công khai bản đồ 3D dữ liệu hóa chi tiết các con đường chính của thủ đô Seoul, bao gồm cả biển hiệu giao thông. Các chuyên gia đánh giá bản đồ này sẽ có giá trị cao trong việc phát triển công nghệ tự lái và hệ thống định vị.
 
Tại Việt Nam, trước Học viện Công nghệ BCVT, Naver đã hợp tác Đại học Bách Khoa Hà Nội để xây dựng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu AI nhằm cho ra đời lớp lãnh đạo và chuyên gia cấp cao đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam.
 
Lan Phương (Ictvietnam)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top