Tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Chương trình liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản nhằm tạo điều kiện để nhà vườn, chủ trang trại, HTX gặp nhau kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào… Diễn đàn sẽ tạo cơ hội để các thành viên của Hội tiếp cận các nhà sản xuất, HTX nhằm tiêu thụ nông sản để có sự gắn kết giữa đầu vào và đầu ra.
“Để làm được điều này, cần phải có sự tác động giữa hai phía, người mua và người bán phải liên kết và phân vai cùng nhau tạo thành chuỗi giá trị, không mạnh ai người đó làm. Nếu mạnh ai người đó làm sẽ dẫn đến hiệu quả của việc liên kết không thành, sản phẩm sản xuất không đạt chuẩn cung ứng ra thị trường; các nhà thu mua không chủ động được nguồn hàng để cung ứng. Thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà vườn, tổ hợp tác cần nắm bắt cơ hội khi nước ta đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do. Đây thực sự là cơ hội để chúng ta đưa nông sản Việt vươn xa”, ông Nguyễn Văn Mười cho hay.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cho biết: Tiềm năng về sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông rất lớn, nhưng hiện nay sản xuất còn manh mún, chưa tập trung. Tỉnh chưa có các kho hàng, nhà máy lớn, đây là vấn đề lớn. Mục tiêu của tỉnh là đưa ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, nhưng vẫn còn khó khăn về giao thông. Thời gian tới, các tuyến cao tốc trong nước được đầu tư, xây dựng, trong đó có cao tốc Đắk Nông - Bình Phước được khai thác, sẽ giúp kết nối, tiêu thụ nông sản tốt hơn....
Tỉnh Đắk Nông luôn đồng hành và tạo điều kiện để các nhà đầu tư hợp tác liên kết và tiêu thụ nông sản trên địa bàn ngày một gắn kết. Diễn đàn sẽ giúp nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu tìm được tiếng nói chung và sẽ triển khai hợp tác phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương.
Đẩy mạnh liên kết, xây dựng vùng sản xuất
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: Đắk Nông có diện tích tự nhiên 6.513km2, trong đó gần 60,34% là đất đỏ bazan với nhiều sông hồ, khí hậu ôn hòa, phù hợp sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su và mắc ca cùng các loại cây ăn trái. Đây là các loại cây trồng chiếm ưu thế, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh (tăng trưởng bình quân hàng năm 12%). Diễn đàn này là nơi để giới thiệu, trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ thêm về tiềm năng, cơ chế, chính sách, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện để nhà đầu tư hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh vai trò, vị trí của ngành Nông nghiệp là một trong ba trụ cột trong nền kinh tế của Đắk Nông. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản. Tỉnh cam kết đồng hành để các dự án sớm được triển khai tại Đắk Nông. Ông hy vọng, với sự đồng hành của Hội Làm vườn Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp, Hiệp hội, HTX cùng sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành của tỉnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh có trên 378 ngàn hecta đất nông nghiệp, chiếm 58% diện tích tự nhiên với hơn 130 loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trong đó, trồng trọt là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên là 320 ngàn hecta. Toàn tỉnh có có 03 liên hiệp HTX, 193 HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp hoạt động đa dạng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch).
Thời gian qua, Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn tương đối cụ thể, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa; phát triển nông nghiệp chưa tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp và thiếu tính bền vững; tư duy kinh tế nông nghiệp của một bộ phận nông dân còn hạn chế, ngại thay đổi phương thức, tập quán canh tác và tổ chức sản xuất mới nên chưa thật sự quan tâm tham gia vào các chuỗi liên kết …Hy vọng thông qua diễn đàn này, các doanh nghiệp, HTX gắn kết hợp tác để cùng phát triển. Ngành Nông nghiệp tỉnh luôn ủng hộ, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối hợp tác từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, giới thiệu nhu cầu cũng như năng lực hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường.
Bên cạnh đó, Đắk Nông tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú, đáp ứng yêu cầu của thị trường…