Họp báo về Lễ Công bố và trao Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020

Thứ hai, 21/12/2020 15:58

Chiều ngày 21/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Họp báo về Lễ Công bố và trao Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020. Lễ Công bố và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 vào ngày 23/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tới dự và chủ trì buổi Họp báo.

20201221-l1.jpg

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại buổi Họp báo

Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 là một hoạt động cụ thể triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đây là Giải thưởng mang tầm quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức để tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam”. Mục đích của Giải thưởng là nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam; Tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; Tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy chủ trương phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Thứ trưởng Phan Tâm nêu rõ.

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 bao gồm 5 hạng mục gồm: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong thời gian từ ngày ngày 10/8/2020 đến hết ngày 20/10/2020, Ban Tổ chức đã nhận được 239 hồ sơ đăng ký trực tuyến dự thi ở tất cả các hạng mục giải thưởng trên trang thông tin về Giải thưởng makeinvietnam.mic.gov.vn. Các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam. Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng thu hút sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu với nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo, hữu ích. Các sản phẩm công nghệ số đa dạng ở nhiều lĩnh vực mà Nhà nước đang ưu tiên, khuyến khích như y tế, giáo dục.

 20201221-l3.jpg

Ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) Chủ tịch Hội đồng Giám khảo phát biểu tại buổi Họp báo
 
Hội đồng Giám khảo là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học, đại diện các quỹ đầu tư và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm, do Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) làm Chủ tịch Hội đồng. Các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Giám khảo được thành lập tương ứng với 05 hạng mục giải thưởng. Các sản phẩm tham dự Giải thưởng đã được đánh giá theo 02 nhóm tiêu chí chung gồm: Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và Giải các bài toán Việt Nam.

Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn được Top 10 và Giải Nhất, Giải Nhì và Giải Ba của 5 hạng mục Giải thưởng: Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số và Sản phẩm số tiềm năng.

Đặc biệt, 50 sản phẩm lọt vào Top 10, đặc biệt là các sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì và Ba là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số. Sự đa dạng của sản phẩm thể hiện từ phần mềm, phần cứng đến giải pháp, nền tảng dựa trên nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, block chain, OCR, AR/VR, công nghệ mở. Các sản phẩm này phản ảnh sự tích cực của doanh nghiệp công nghệ số tham gia giải quyết các bài toán của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới.

Cũng theo đại diện của Ban Tổ chức, Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư, là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phát để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Hoạt động bên lề Diễn đàn và Lễ Công bố trao giải thưởng là Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm Lãnh đạo Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, các hiệp hội, các trường đại học, học viện, và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam./.

PV
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top