Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT”

Thứ năm, 14/03/2019 16:46

Chiều 14/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban Soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT”; tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập.

 20190314-l10.jpg
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận tại phiên họp
 
Theo dự thảo, Đề án được xây dựng trên căn cứ Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Quyết định số 119/2011/QĐ-TTg ngày 18/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020”; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 308/2018/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020”; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch
 
Theo đánh giá của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, hiện hệ thống truyền thanh hoạt động theo hai phương thức là truyền thanh hữu tuyến (truyền thanh có dây) và truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây, phát sóng FM). Theo đó, truyền thanh có dây là công nghệ cũ được áp dụng từ rất lâu, với ưu điểm là sử dụng và hoạt động được ở tất cả các địa bàn, kể cả nơi không có điện lưới. Tuy nhiên, nhược điểm là hoạt động khá phức tạp, phải sử dụng dây kéo đến tận các điểm loa, kinh phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao, luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng của thời tiết (mưa, bão…), chi phí sửa chữa, bảo hành nhiều, độ an toàn hạn chế, chất lượng âm thanh kém và không đồng đều trên toàn tuyến, phát tiếng ồn nên gây phiền hà cho sinh hoạt của người dân.
 
Truyền thanh không dây là hệ thống truyền thanh hiện đại hơn với ưu điểm là ít chịu sự tác động, ảnh hưởng của thời tiết (mưa, bão…), tiện sử dụng, ít gây sự cố hỏng, chi phí bảo hành ít, dễ dàng thay đổi vị trí đặt cụm loa, chi phí đầu tư thấp hơn so với truyền thanh hữu tuyến, chất lượng âm thanh tốt và ổn định. Hệ thống truyền thanh không dây gọn, nhẹ, thao tác đơn giản, dễ sử dụng, đem lại hiệu quả thu, phát cao. Tuy nhiên, nhược điểm là bắt buộc các vị trí đặt cụm thu phải có điện lưới, vấn đề này thực sự khó khăn khi triển khai ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có điện lưới.
 
Đề án xác định quan điểm, mục tiêu, phạm vi, thời gian thực hiện; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và nguồn lực triển khai tổ chức thực hiện đề án. Mục tiêu của Đề án ứng dụng CNTT để hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; tạo nền tảng kết nối thông tin đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở.
 
Nhiệm vụ của Đề án nhằm xây dựng mô hình đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại (CNTT, công nghệ số, viễn thông) về thiết bị kỹ thuật phát thanh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng việc khai thác, lưu trữ và cung cấp nội dung thông tin, sản xuất nội dung chương trình, biên tập tin, bài phát thanh theo hướng hiện đại. Xây dựng Trung tâm thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (phân quyền cung cấp thông tin) để tuyên truyền, phổ biến trực tiếp đến người dân. Đồng thời, xây dựng phần mềm thu thập thông tin phản hồi (thiết lập App - ứng dụng trên mobile) để thu nhận, tổng hợp thông tin phản hồi từ người dân, trở thành một kênh thông tin tham khảo phục vụ các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách, pháp luật liên quan đến lợi ích của người dân và sự phát triển của đất nước.
 
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp  để bổ sung, hoàn thiện Đề án. Đồng thời, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần làm rõ đối tượng hưởng thụ, vai trò của các cơ quan quản lý tham gia vào việc thực thi Đề án; cần làm rõ nội dung, phương thức thực hiện, điều kiện kinh tế - xã hội, dân trí ở từng vùng, miền… Ngoài ra, làm rõ tính khả thi trong việc ứng dụng CNTT để giải quyết bài toán nhân sự, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước (nhưng không tăng biên chế, không tăng  ngân sách nhà nước); có chính sách huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia, nhất là huy động các doanh nghiệp viễn thông, an toàn thông tin cùng tham gia vào thực tiễn khi Đề án được triển khai… Ngoài ra, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần chú trọng đến các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, phân tầng thông tin phù hợp với các đối tượng, vùng miền… Đồng thời, cần có đánh giá, tổng kết thực tiễn liên quan đến phạm vi của Đề án và phân chia lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể để đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn từng khu vực nhằm hướng tới mục tiêu hiệu quả, thiết thực…
 
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để hoàn thành Đề án đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra./.
 
 

 

Đài Sơn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top