Hơn 91% cơ sở khám chữa bệnh dùng căn cước công dân gắn chip điện tử

Thứ hai, 26/12/2022 05:33

Ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử làm tăng số lượng cơ sở khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân đạt 11.909/13.056 cơ sở (đạt tỷ lệ 91,2%)…

bao-hiem--1-.jpg 

Ảnh minh họa

Ngày 28/11/2022, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP tháng 11/2022. Tham dự cuộc họp còn có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan. 

ĐẨY MẠNH 21/25 DỊCH VỤ CÔNG THIẾT YẾU

Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06/CP tháng 11 nêu rõ, trong công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46/TT-BCA ngày 04/11/2022 quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đối với nhiệm vụ phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Một số dịch vụ công có tỷ lệ trực tuyến cao như thông báo lưu trú (98,3%), xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân (99,8%)...

Việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử tiếp tục được đẩy mạnh nhất là trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Nhờ đó, số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh tính đến ngày 24/11/2022 là 11.909/13.056 cơ sở (đạt tỷ lệ 91,2%). Số lượng công dân có sử dụng thẻ Căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc là 6.177.777 công dân; số lượng công dân có thông tin bảo hiểm trả về trên toàn quốc: 3.869.733 công dân, đạt tỷ lệ 62,63%...

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình dịch vụ công Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục này trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cũng trong tháng 11, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã triển khai thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông, gồm: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 21/11/2022 đến 25/11/2022.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu khác, tính đến ngày 24/11/2022, đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước; 03 doanh nghiệp viễn thông và 16 địa phương. Đã tra cứu, xác thực thông tin phục vụ làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư (đã đồng bộ thông tin Bảo hiểm xã hội của 27.568.711 công dân; đồng bộ mũi tiêm của 102.451.763 công dân...).

HOÀN THIỆN PHÁP LÝ, BỎ SỔ HỘ KHẨU GIẤY

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã tập trung đánh giá, phân tích làm rõ nhiều nội dung như hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023; tiếp tục thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn trong đẩy mạnh nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến; giải pháp cho việc xây dựng dữ liệu nhà ở, dữ liệu đất đai; nâng cấp hệ thống đảm bảo an ninh an toàn.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ về hoàn thiện pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, Bộ trưởng đề nghị thành viên Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2022.

Đối với 02 thủ tục hành chính liên thông vừa thí điểm tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm. Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trong tháng 12/2022 trước khi nhân rộng trên địa bàn toàn quốc vào đầu tháng 01/2023.

Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thống nhất mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe lái xe của các cơ sở y tế có đủ điều kiện nhằm phục vụ dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến.

Để triển khai sổ sức khỏe điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo mở dịch vụ khai thác thông tin khám chữa bệnh bằng bảo hiểm để hiển thị thông tin trên ứng dụng VNeID, tạo tiện ích cho người dân; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Bộ Công an ra văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế truyền thông tin khám chữa bệnh của người dân lên cơ quan bảo hiểm xã hội.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top