Đánh giá về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho biết, tháng 5/2022 công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo thống kê, trong tháng 5, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 847 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; giảm 9,7% so với tháng 4. Trong đó, có 161 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 226 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 460 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).
Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, đã có 5.463 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm 930 cuộc Phishing, 776 cuộc Deface và 3.757 cuộc Malware.
Đáng chú ý, tháng 5 tiếp tục ghi nhận số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam giảm so với tháng liền kề. Trước đó, trong tháng 4, Bộ TT&TT ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 938 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; giảm 9,37% so với tháng 3/2022.
Theo các chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, nguyên nhân số cuộc tấn công mạng giảm so với tháng trước là do tình hình kinh tế - xã hội đều ổn định, các loại hình hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại như trước khi có dịch Covid-19, những giải pháp quản lý và thúc đẩy kinh tế của Đảng, của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương có nhiều hiệu quả.
Kéo theo đó, việc nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng cũng như an ninh, trật tự xã hội được chú trọng hơn. Vì thế, các đối tượng cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng và tổ chức.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, cho không gian mạng Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét; đánh giá, thống kê và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh những nguy cơ tấn công mạng. Đồng thời, tiếp tục cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.