Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017-2022)
Những năm gần đây, hoạt động xuất bản đã có sự phát triển ổn định, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc. Toàn Ngành đã có những thay đổi đáng kể về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn nhân lực và cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển. Trung bình mỗi năm, toàn Ngành xuất bản được khoảng 30.000 cuốn với gần 400 triệu bản; mức độ hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4 bản sách/người/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 15-20% về số bản sách, 8-10% về số đầu sách. Chất lượng sách đã được cải tiến so với các năm trước đây, thể hiện qua việc các nhà xuất bản đã có định hướng rõ rệt trong việc lựa chọn đề tài cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn về nội dung nên đã hạn chế được các loại sách kém chất lượng, xuất bản được nhiều cuốn sách có nội dung tốt, hình thức đẹp, được dư luận đánh giá cao. Ngành Xuất bản Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong khu vực Châu Á, hiện là thành viên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN, Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương và Tổ chức ISBN quốc tế. Để có được những thành tựu đó có sự đóng góp của nhiều đơn vị hoạt động trong ngành Xuất bản, trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của hội viên thì Hội Xuất bản Việt Nam còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao vị thế của Ngành, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một thị trường xuất bản phẩm lành mạnh, một nền “văn hóa đọc” phong phú, đa dạng. Quyết định số 283-QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện việc chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, như: phối hợp trong việc tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về hoạt động xuất bản; trong việc tham mưu xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản; trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản;...
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đánh giá: Với trách nhiệm được giao, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tâm huyết, yêu nghề, cũng như trách nhiệm trước xã hội nên Hội Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của hoạt động xuất bản trong thời gian qua. Cụ thể Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc Tổ chức các Hội nghị giao ban, tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm; bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho hội viên; chủ động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất bản tới các hội viên, đặc biệt là Luật Xuất bản; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra một số giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xuất bản.
Ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, Hội còn ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hội viên Hội Xuất bản Việt Nam. Đây là bộ quy tắc có ý nghĩa thiết thực đối với vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác xuất bản trước nghề nghiệp và xã hội, nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, nâng cao giá trị của văn hóa đọc.
Sau khi Quốc hội Khóa 13 quyết định dừng việc thi hành Bộ Luật Hình sự 2015 để tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa hoàn thiện, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề nghị các chi hội, hội viên trong cả nước khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những quy định trong Bộ Luật này đối với hoạt động xuất bản. Hội cũng đã tổ chức các cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các chi hội là các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, công ty kinh doanh sách về Bộ Luật Hình sự 2015 và đã có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ kiến nghị sửa đổi cơ bản Điều 225 và Điều 344 trong Bộ Luật này.
Cũng trong nhiệm kỳ qua, trước những chủ trương lớn của Chính phủ như thực hiện Ngày Sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam là một trong những đơn vị tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tôn vinh Ngày Sách Việt Nam và Ngày Sách và Bản quyền thế giới hằng năm. Hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức đường sách, phố sách, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tạo không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích cho cộng đồng; Tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những cuốn sách hay, sách có giá trị và những người làm công tác xuất bản.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Hội Xuất bản Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy hoạt động thông tin đối ngoại, đưa xuất bản phẩm Việt Nam đến với thế giới.
Bộ trưởng cho biết thêm: Ngoài các công tác nêu trên, Hội Xuất bản Việt Nam còn tổ chức và tham gia rất nhiều các hoạt động khác, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của ngành Xuất bản, ví dụ như: đến làm việc, tìm hiểu tình hình của một số nhà xuất bản gặp khó khăn để chia sẻ, động viên và cùng tìm biện pháp ổn định hoạt động; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên và những thông tin thu thập được qua hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức trực thuộc Hội đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp với Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Quyền sao chép tác phẩm và Giải pháp quản lý tập thể trong khu vực trường học” dành cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản tại Hà Nội; tặng nhiều cuốn sách có giá trị cho các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ ở những nơi biên cương, hải đảo; v.v…
Đứng trước yêu cầu mới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Hội Xuất bản Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đề ra những nhiệm vụ và nội dung hoạt động đúng chức năng và sát với đời sống của ngành xuất bản, làm cơ sở định hướng cho toàn bộ hoạt động của Hội.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai và hướng dẫn các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25/4/2004 và Thông báo kết luận số 19/TB-KL ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư, Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ba là, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Chính phủ có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động xuất bản nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển.
Bốn là, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, kế tiếp Giải thưởng Sách Việt Nam.
Năm là, chăm lo quyền lợi, bảo vệ và phát triển hội viên; tổ chức nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hội viên.
Sáu là, phối hợp tư vấn về cơ chế chính sách trong hoạt động xuất bản.
Bảy là, vận động các đơn vị trong ngành Xuất bản tại các địa phương thực hiện việc nâng cao văn hóa đọc, xây dựng những cơ sở phát hành, đường sách, phố sách, v.v..., mở rộng các kênh thông tin giới thiệu sách đến nhiều đối tượng bạn đọc để sách và giá trị của sách có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Tám là, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới.