Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong điều kiện dịch Covid-19”

Thứ tư, 20/10/2021 22:10

Chiều ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo khoa học “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong điều kiện dịch Covid-19” với hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; lãnh đạo các nhà xuất bản (NXB), Hiệp hội in, công ty in, công ty phát hành sách trên toàn quốc.

20211020-l0.jpg

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: Tính từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2021 đã trải qua 04 đợt bùng phát đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng ngày càng nặng nề. Hết năm 2020, hoạt động xuất bản lần đầu ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều chỉ tiêu so với năm 2019. Các nhà xuất bản chịu tác động rõ rệt của tình hình dịch bệnh nên hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm. Sức mua của thị trường giảm mạnh khiến số lượng sách xuất bản bị tồn đọng từ năm trước dẫn đến các nhà xuất bản bị đóng băng vốn, lúng túng trong việc tìm đầu ra cho xuất bản phẩm. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, các chỉ số tăng trưởng tiếp tục giảm sâu. Đây là mức giảm chưa từng có trong lĩnh vực xuất bản nhiều năm qua.

Đối với hoạt động xuất bản: Nguồn bản thảo để xuất bản cũng như các nguyên liệu phục vụ sản xuất (giấy in, mực in, vận chuyển, đóng gói...) đều gặp khó khăn do việc ngừng hoạt động của các đơn vị trong thời gian trước đây. Các cửa hàng giới thiệu, bán sách gặp khó khăn, đồng thời các hoạt động tổ chức thường niên nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại trong hoạt động xuất bản cũng bị tạm dừng hoặc thay đổi hình thức tổ chức như Hội chợ sách; chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày sách Việt Nam, các ngày kỷ niệm lớn trong năm.

Các nhà xuất bản vẫn phải đảm bảo phần chi trả lương cho cán bộ, nhân viên và các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động (ví dụ như: trả tiền thuê địa điểm, mặt bằng). Số lượng sách xuất bản bị tồn đọng do không bán được, các nhà xuất bản bị tồn đọng vốn. Mặt khác, phải chịu thêm chi phí về kho bãi để cất giữ sách làm cho các nhà xuất bản càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Đối với lĩnh vực in: Gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ các nước đang có dịch, nhất là nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc (ngành in phần lớn là nhập khẩu); Giao dịch hạn chế, thiếu việc làm, giảm doanh thu, nhiều lao động phải nghỉ việc, giảm thu nhập, đời sống khó khăn; Không có nguồn thu, nhưng phải chi trả nhiều khoản: trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng nhà xưởng sản xuất, bảo hiểm xã hội, y tế; Khả năng đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp in bị chậm lại...

Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: Toàn bộ hệ thống phát hành gần như tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế người dân và phương tiện lưu thông. Để duy trì hoạt động ở mức thấp, mặc dù doanh thu rất thấp hoặc không có, nhưng cơ sở phát hành vẫn phải chi trả toàn bộ các chi phí vận hành liên quan. Hình thức bán trực tuyến (online) cũng không đem lại kết quả tại một số địa bàn do lực lượng giao hàng không được hoạt động vì sách không phải hàng thiết yếu. Khách hàng hủy đơn hàng, đánh giá chấm điểm 1-2 sao, nên phải đóng cửa website bán hàng.

Đến tháng 10/2021, một số tỉnh, thành đã nới lỏng giãn cách, bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp và các cơ sở bán sách trở lại hoạt động và kinh doanh. Tuy nhiên, do nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn, sức mua giảm sâu nên khả năng hồi phục lấy lại đà tăng trưởng gặp khó khăn.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp in đã nêu những khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; giá nguyên vật liệu tăng liên tục; chi phí vận chuyển, vật tư đều tăng…

Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết, hiện có 2/3 công suất ngành in nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 vừa qua (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai). Trên 80% doanh nghiệp in giảm doanh thu, lợi nhuận. Lĩnh vực in bao bì, in ấn phẩm quảng cáo, in sách báo và văn hóa phẩm chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngành in thiếu thợ lành nghề, chất lượng cao, thiếu nguồn cung ứng vật tư, thiết bị, đơn hàng sụt giảm. Những vấn đề nêu trên đã khiến 28% đơn vị ngưng hoạt động ba tại chỗ.

Không những vậy, 75% doanh nghiệp ngành in tỏ ra bi quan về sự phục hồi trong thời gian tới. Doanh nghiệp in lo ngại lớn nhất là sự đứt gãy chuỗi khách hàng. Hiện có khoảng 15% khách hàng nước ngoài đã ngưng làm việc với doanh nghiệp in Việt Nam để chuyển sang nước khác. Số lao động rời ngành in đang gia tăng hàng ngày. Một số doanh nghiệp đã đóng cửa, một số ngưng hoạt động vĩnh viễn.

Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam kiến nghị: Hiện nay tình hình khống chế dịch bệnh đã tốt hơn, nên cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại mà không gặp quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, để họ tập trung phục hồi sản xuất. Chính phủ nên có các biện pháp phù hợp, tránh nhiêu khê các thủ tục, đáp ứng tiêm vắc-xin cho doanh nghiệp, miễn giảm 30% thuế thu nhập, giảm 30% thuế giá trị gia tăng, không tiến hành những cuộc kiểm tra liên ngành các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung sản xuất.

Bà Phạm Thị Hóa - Phó Tổng giám đốc Công ty Fahasa cho biết, từ tháng 6-9 là thời điểm kinh doanh cao điểm của đơn vị này và nó mang lại doanh thu cao. Nhưng do dịch rơi vào đúng dịp này nên ảnh hưởng nặng, gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, Fahasa chỉ tập trung kinh doanh trên điện tử và chủ yếu sách giáo khoa cho học sinh - mà mảng này chỉ là mảng nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh của Fahasa. Thêm vào đó, dịch bệnh khiến đơn hàng cũng dồn ứ nhiều, không hiệu quả. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có chính sách phòng chống dịch thống nhất theo vùng; coi sách là hàng thiết yếu; miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, thuê nhà… để giảm áp lực chi phí của doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc NXB Trẻ đã nêu những khó khăn của giới xuất bản nói chung, những đơn vị làm sách trên địa bàn TP.HCM nói riêng khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố. Thậm chí các nhà in hoạt động ba tại chỗ cũng chỉ đáp ứng 30% công suất. Giám đốc NXB Trẻ  đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai qua hình thức trực tuyến để giảm thiếu chi phí, nhân lực, hạn chế tiếp xúc...

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM cho rằng: “Thời gian vừa qua, chúng tôi là người trong tâm dịch, xin ghi nhận vai trò quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn”. Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có những tác động, giúp thông thương vận chuyển sách giáo khoa, sau này là cho mở cửa lại hoạt động doanh nghiệp xuất bản, cửa hàng sách. Bởi vậy, cần tìm giải pháp căn cơ để nâng cao sức đọc, đẩy mạnh thị trường mới tạo được sự phát triển lâu dài cho ngành sách.


20211020-l03.jpg

Ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học cho rằng: Vướng mắc ở câu chuyện mô hình nhà xuất bản làm hạn chế sự phát triển của ngành xuất bản. Thực tế các NXB chia làm 2 khối: Nhóm sự nghiệp công lập, nhóm NXB hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Đối với nhóm NXB sự nghiệp công lập hiện nay phải tự chủ, nhưng vẫn được cơ quan chủ quản đầu tư, ưu đãi cho thuê trụ sở, nhà đất. Trong khi đó, nhóm NXB theo mô hình doanh nghiệp phải chịu mọi chi phí. “Nếu coi thị trường xuất bản là một sân chơi sòng phẳng thì những người tham gia sân chơi phải sòng phẳng với nhau”, ông Vũ kiến nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay là dịp để các đơn vị trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành (ngành xuất bản) trao đổi thẳng thắn, nêu ra các kiến nghị, đề xuất và những giải pháp khả thi trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Bộ TT&TT muốn lắng nghe ý kiến các đơn vị trong ngành xuất bản để sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, thúc đẩy  ngành phát triển trước yêu cầu mới.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng chia sẻ với sự vất vả của khối xuất bản, in và phát hành. Kể cả khi chưa có dịch Covid-19, ngành xuất bản cũng đã khó khăn. Tôi đề nghị Cục Xuất bản, các đơn vị phát hành làm việc nghiêm túc, nghiên cứu nghiêm túc chính sách của nhà nước và những vướng mắc từ đó đề xuất kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản. Ngành xuất bản cần căn cơ, đi vào phần ngọn, không đi vào phần gốc coi bạn đọc là thị trường để đẩy mạnh văn hoá đọc. Văn hoá đọc tốt lên thì mới có thị trường, phát hành được sách. Phải nâng cao chất lượng sách, tìm hiểu cuốn sách giá trị để giới thiệu với bạn đọc.
 
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: Không riêng gì ngành In mà các ngành khác nguyên liệu đầu vào cũng sẽ tăng, vì vậy muốn phát triển, ngành In bắt buộc phải áp dụng công nghệ trong cả khâu quản trị và sản xuất, để không quá phụ thuộc vào lao động phổ thông. Qua đại dịch Covid-19, nếu đơn vị nào biết áp dụng công nghệ thì giá thành sản phẩm sẽ hạ. Phải thay đổi công nghệ nếu muốn tồn tại, ứng dụng công nghệ trên cơ sở dùng chung và chung tay phát triển văn hóa đọc. Đối với đơn vị truyền thông nên có mục giới thiệu các cuốn sách hay và viết về nhân vật thành công nhờ đọc sách từ đó lan toả được văn hoá đọc trong cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, ngành xuất bản cần phải nâng cao chất lượng sách. Không làm sách nội dung thấp, phải tập trung làm sách có giá trị cao; phải xuất bản được nhiều đầu sách có sức lan tỏa đến hàng triệu người đọc.
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị mỗi đơn vị đưa ra kiến nghị phải có trách nhiệm, tâm huyết cùng góp sức và đồng hành cùng nhà nước để tạo ra chính sách phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống. Về mô hình nhà xuất bản, các đơn vị xuất bản cần phải có nghiên cứu, góp ý, đề xuất cụ thể.
 
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan quản lý trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kết nối liên thông qua mạng. Ứng dụng công nghệ, cả sản xuất lẫn tiêu dùng nhằm chi phí giảm, tăng sức cạnh tranh. Muốn tồn tại, ngành xuất bản, in và phát hành bắt buộc phải đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ trên cơ sở một nền tảng dùng chung. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đưa các ứng dụng, các nền tảng cho các đơn vị dùng chung, các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, phối hợp để đạt hiệu quả cao.
 
Bích Khuê
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top