Nội dung hội thảo xoay quanh những vấn đề cốt lõi trong phát triển nguồn nhân lực CNTT như thực trạng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay, xu hướng và những yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực CNTT trong chương trình xây dựng quốc gia mạnh về CNTT; vấn đề đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu ngành; những điểm khác biệt đáng chú ý trong đào tạo CNTT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa. Hội thảo cũng nghe tham luận của hai đơn vị có kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT là Cisco System Vietnam với tham luận Đào tạo nguồn lực cho thế kỷ 21: chương trình, kinh nghiệm và mô hình từ chương trình Giáo dục toàn cầu – Global Education và Global Cybersoft Vietnam với tham luận Kinh nghiệm quốc tế về đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực CNTT.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh: Chủ đề phát triển nguồn nhân lực CNTT thời gian qua luôn là chủ đề thời sự, tương ứng với sự phát triển của CNTT. Đây cũng là chủ đề chính của chiến lược phát triển CNTT tại Việt Nam. Trong Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” mục tiêu đầu tiên đặt ra là về nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Theo kế hoạch của Đề án, đến năm 2015: 30% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50%. Đến năm 2020: 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 70%. Thời gian qua mặc dù số lượng các đơn vị đào tạo nhân lực CNTT và số lượng sinh viên CNTT đều tăng song chất lượng đào tạo vẫn chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng, số sinh viên ra trường được tiếp nhận vào làm còn hạn chế do tiếng Anh chưa tốt, trình độ tư duy và làm việc độc lập chưa cao. Dự báo đến năm 2015, các doanh nghiệp CNTT cần 550 ngàn lao động trong đó khoảng 400 ngàn người có chuyên ngành CNTT. Năm 2020 cần khoảng 600 ngàn. Tham luận về những điểm khác biệt đáng chú ý trong đào tạo CNTT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thực trạng ứng dụng CNTT tại doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp mới dừng ở mức sử dụng soạn thảo văn bản, bảng tính (91%), email 46%, phần mềm kế toán 67%, 50% doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng phần mềm quản lý nhân sự, bán hàng. Trong tham luận, VCCI đã chỉ ra sự khác biệt giữa đào tạo cho doanh nghiệp và đào tạo chính quy là đào tạo cho doanh nghiệp cần thời gian ngắn, kiến thức mới với những đề xuất cụ thể như phân rõ đối tượng: đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp (CEO) và lãnh đạo thông tin (CIO) khác với đào tạo các chuyên viên CNTT; phương thức đào tạo; phổ đào tạo (quy mô ngành hàng, mục tiêu kinh doanh); đào tạo theo nhu cầu. VCCI cũng đề xuất cần thống nhất quan điểm đào tạo CNTT cho doanh nghiệp là sự phối hợp giữa ba yếu tố: tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư vấn cho doanh nghiệp về ứng dụng CNTT và đào tạo CNTT kết hợp chặt chẽ với nghiệp vụ tại thực tế của doanh nghiệp. Global Cybersoft Vietnam với tham luận Kinh nghiệm quốc tế về đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực CNTT đã nhấn mạnh kinh nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo. Theo Global Cybersoft Vietnam, chuyên gia thực thụ không thể đi ra từ trường đại học mà chỉ có thể trưởng thành từ kinh nghiệm thực tế và cọ sát trên những dự án và hệ thống thực. Đào tạo riêng lẻ không thể giải quyết gốc rễ vấn đề nhân lực mà nó phải là thành phần của chiến lược phát triển bao gồm nhiều yếu tố khác ngoài đào tạo. Ngân sách và nguồn lực cho đào tạo phải được cấp phát thỏa đáng và phải được coi là đầu tư chứ không phải đơn thuần là chi phí. Đào tạo phải gắn kết với phát triển năng lực, học hỏi kinh nghiệm chuyên gia nước ngoài, cộng tác doanh nghiệp, nhà trường, sinh viên, huấn luyện từ xa, qua mạng…