Hội thảo Kinh nghiệm phát triển hạ tầng băng rộng của Hàn Quốc và định hướng phát triển của Việt Nam đến năm 2020

Thứ tư, 08/09/2010 08:49

Chiều ngày 7/9/2010, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm phát triển hạ tầng băng rộng của Hàn Quốc và định hướng phát triển đến 2020 của Việt Nam. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam ông Lee Wook Heon, đại diện của các đơn vị hữu quan thuộc Bộ TT&TT và một số thành viên của KOICA.

img

Thứ trưởng Trần Đức Lai đã phát biểu khai mạc hội thảo. Thứ trưởng đã điểm qua một số thành tựu trong phát triển CNTT tại Việt Nam, khẳng định Đảng, Chính phủ luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho CNTT Việt Nam phát triển.  Thứ trưởng đã cảm ơn sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc thời gian qua trong việc giúp Việt Nam phát triển hạ tầng viễn thông. Thứ trưởng cũng đánh giá cao hiệu quả hợp tác của KOICA trong nhiều dự án CNTT tại Việt Nam đặc biệt là việc xây dựng Luật Công nghệ thông tin. KOICA cũng đã phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn KOICA tiếp tục chia sẻ, hợp tác phát triển nguồn nhân lực – một trong những vấn đề đang được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Ông Lee Wook Heon, Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam đã phát biểu khẳng định Việt Nam đã thực hiện thành công  kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn đến 2010. Trong thời điểm bản lề quan trọng này, đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” là một dự án đầy ý nghĩa. Quá trình hợp tác giữa KOICA và Bộ TT&TT tuy chưa lâu song lại rất hiệu quả. KOICA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển CNTT đặc biệt là vấn đề phát triển nguồn nhân lực.

Tại hội thảo, Viện Chiến lược đã trình bày định hướng phát triển hạ tầng viễn thông trong đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”. Theo đó, mục tiêu tổng quát là thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020 tỷ trọng CNTT&TT đóng góp vào GDP đạt từ 8-10%. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư, Việt Nam đứng thứ 65 trở lên trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU. Đến năm 2020 hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư, Việt Nam đứng thứ 55 trở lên trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu). Về phổ cập thông tin, đến năm 2011 hầu hết các hộ gia đình có máy điện thoại. Đến năm 2015 20%-30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trên 90% số hộ có máy thu hình trong đó 80% số hộ xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Đến năm 2020 hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số, 50%-60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng trong đó 25-30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang, hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

img

Giáo sư trường Đại học Hanyang, Hàn Quốc TS. Sang-Yong Tom Lee đã chia sẻ quan điểm về sự đổi mới và các xu hướng CNTT&TT. Theo ông, trong tương lai tất cả các thiết bị kỹ thuật số sẽ được nối mạng, Internet di động sẽ phát triển bùng nổ, các doanh nghiệp tư nhân sẽ phát triển mạnh, không gian ảo và các dịch vụ mạng xã hội sẽ bùng nổ, việc sản xuất và phân phối phương tiện truyền thông sẽ có các phương thức mới. CNTT&TT sẽ là động lực của sự phát triển và đổi mới. Đầu tư cho CNTT&TT của một quốc gia không chỉ làm tăng nền công nghiệp CNTT&TT một cách trực tiếp mà còn tăng năng suất của các ngành công nghiệp khác. Theo tính toán của ông, CNTT&TT Việt Nam đã có ảnh hưởng tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế.  CNTT&TT sẽ làm tăng 0,27% GDP và đóng góp với sự tăng năng suất lao động là 0,11%. Vai trò của CNTT&TT ở Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng. Ông cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT như tận dụng nguồn lực thực tập sinh để giảm chi phí, tăng cường tiếp cận các nhân viên tiềm năng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, hỗ trợ việc cung cấp đào tạo trực tuyến, sử dụng kiến thức quản lý để nắm bắt kiến thức nghiệp vụ từ các nhân viên giàu kinh nghiệm và hỗ trợ chuyển giao kiến thức cho người khác, duy trì quan hệ với vác nhân viên cũ để thu hút và tuyển dụng nhân viên mới…

Ông KJ Sung trường Đại học Kyung Hee cũng chia sẻ bài học và tác động của việc phát triển thị trường viễn thông Hàn Quốc. Chính sách phát triển viễn thông Hàn Quốc được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1953-1980; giai đoạn 1981-1995 sự ùn tắc về nhu cầu được giải quyết, các cuộc gọi được tự động chuyển mạch, mỗi hộ gia đình có 1 máy điện thoại năm 1987; giai đoạn 1996-2007 đưa ra chính sách cạnh tranh: tự do cạnh tranh điện thoại di động, giới hạn cạnh tranh điện thoại cố định, cho phép sáp nhập/mua lại doanh nghiệp; giai đoạn 2007 đến nay nổi bật với sự hội tụ của phát thanh và truyền hình, bão hoà thị trường viễn thông. Chính sách quan trọng được đưa ra năm 1980 là chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và nhận thức rõ được tầm quan trọng của viễn thông. Kinh nghiệm để cạnh tranh thúc đẩy phát triển là đưa ra chính sách cạnh tranh từ bên trong, cạnh tranh từng bước, giám sát chặt chẽ doanh nghiệp lớn, cạnh tranh dựa trên cơ sở hạ tầng chứ không phải dựa trên dịch vụ có sự giám sát chặt chẽ của chính phủ đã dẫn đến việc đầu tư nhân đôi. Đầu tư hàng loạt để phát triển công nghệ được thực hiện nhờ việc độc lập về tài chính và doanh thu mạng cao. Việc xây dựng mạng lưới băng rộng được thực hiện phần lớn bởi doanh nghiệp tư nhân (chiếm 8/9 tỷ USD). Tuy nhiên, điểm khác biệt thấy rõ giữa Hàn Quốc và Việt Nam là 50% dân Hàn sống ở các khu căn hộ và tỷ lệ đô thị hoá là 80%. Ông KJ Sung cũng đưa ra các quan điểm về kế hoạch của Việt Nam như đảm bảo độc lập trong kinh doanh, giảm thiểu cơ chế bù chéo, chi phí dựa vào kết nối và quỹ phát triển, nâng cao khả năng tích luỹ nguồn vốn trong nước, tái đầu tư cho phát triển. Ông cho rằng kế hoạch của Việt Nam không đề cập nhiều đến cơ sở hạ tầng và cho rằng Việt Nam có thể thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng giống Hàn Quốc song phải đi kèm với tính minh bạch cao trong cơ quan chính phủ và tự do hóa trong ngành tài chính. Bộ TT&TT nên soạn thảo kế hoạch chi tiết để đảm bảo nguồn lực như thuế đặc biệt, phí, xem xét lại việc cạnh tranh dưới hình thức giảm giá liên tục…

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top