Hiện nay, các nước đều coi số hóa phát thanh truyền hình là xu hướng tất yếu và việc dành băng tần cho thông tin di động là điều hoàn toàn phù hợp cho phát triển thông tin liên lạc trong kỷ nguyên băng rộng. Tuy nhiên, số hóa như thế nào là vấn đề còn gặp nhiều lúng túng ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước châu Á, nơi khoảng cách số còn lớn với nhiều nền kinh tế còn khó khăn. Tại Việt Nam, việc số hóa phát thanh truyền hình là vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn bởi nó sẽ ảnh hưởng đến gần như mọi người dân vốn đã có thói quen xem truyền hình analog trong nhiều thập niên.
Với hội thảo này, Liên minh Viễn thông quốc tế mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích cho các quốc gia châu Á trong việc xây dựng lộ trình số hóa phát thanh truyền hình như: các giải pháp, các đề nghị hỗ trợ từ phía ITU, những kinh nghiệm phát triển lộ trình với sự tham gia của các cơ quan của chính phủ. Đây là hội thảo đầu tiên trong loạt hội thảo về việc số hóa phát thanh truyền hình sẽ được tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia đang phát triển.
Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu đã xây dựng lộ trình dừng cung cấp phát thanh truyền hình analog để chuyển hẳn sang số hóa vào năm 2015. Theo ITU, hiện tại cũng là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng lộ trình chuyển sang phát thanh truyền hình công nghệ số. Việc chuyển đổi này sẽ mang lại lợi ích cho những đối tượng tham gia lĩnh vực phát thanh truyền hình, các công ty viễn thông, các công ty di động. Những kinh nghiệm được chuyên gia của ITU chia sẻ tại hội nghị là để xây dựng lộ trình cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kinh tế, chính trị, sự hài hòa trong khu vực, cần có khung giải pháp ở cấp vĩ mô trước khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ số, cần đảm bảo không có can nhiễu giữa kênh analog và digital và cần điều chỉnh để đảm bảo tương thích với quy hoạch tần số quốc gia, không nên dừng cung cấp phát thanh truyền hình analog trước thời điểm có các sự kiện lớn ví dụ như Word Cup, nghỉ hè (do học sinh sinh viên nghỉ hè sẽ xem truyền hình nhiều hơn)…
Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình không áp dụng máy móc cho mọi quốc gia. Với những quốc gia chỉ có 5% cư dân dùng truyền hình analog thì việc dừng khá dễ dàng. Song với những quốc gia như Anh, Ý, Tây Ban Nha nơi hơn 30% dân số dùng truyền hình analog thì việc triển khai phải có nhiều bước thích hợp khác nhau. Tại Pháp, cần đến 5 năm để dừng cung cấp phát thanh truyền hình analog. Để dừng cung cấp vào tháng 12/2010, Pháp đã phải thông báo cho người dân và chuẩn bị cho sự kiện này từ năm 2005. Việc dừng được tiến hành theo từng vùng, vùng có mật độ sử dụng công nghệ kỹ thuật số cao thì dừng trước. Qua thực tế tại Anh, các chuyên gia ITU cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi như thế nào để giảm can nhiễu và tầm quan trọng của việc đàm phán với các quốc gia lân cận. Theo ông Giám đốc Cục Vô tuyến ITU Francois Rancy thì việc đàm phán với các quốc gia lân cận về phối hợp tần số là rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn và ở Pháp nó được ví như “một cơn ác mộng”. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản đã hoàn thành việc số hóa phát thanh truyền hình trong năm nay còn Hàn Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2012.