Hội thảo khoa học tại Nga về tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Thứ hai, 22/06/2020 10:28

Đây là sự kiện thường niên trong khuôn khổ hội nghị toàn Nga và chương trình trường học của nhà khoa học trẻ, thu hút đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học, học viện khối luật hàng đầu trên toàn Nga.

 Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 1/11, tại Đại học Tư pháp quốc gia Nga (RGUP) trực thuộc Tòa án Tối cao LB Nga đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Luật quốc tế, công lý quốc gia và quốc tế, chủ quyền quốc gia trên ví dụ ứng xử giữa các nước ở Biển Đông”. 

20200622-l27.jpg

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Hiếu - PV TTXVN tại Liên bang Nga

Đây là sự kiện thường niên trong khuôn khổ hội nghị toàn Nga và chương trình trường học của nhà khoa học trẻ, thu hút đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học, học viện khối luật hàng đầu trên toàn Nga như Đại học Tư pháp quốc gia Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Đại học Tổng hợp Tomsk, Đại học Tổng hợp Nhân văn Nga, Đại học Tổng hợp Sư phạm Moskva, Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công, Đại học Luật quốc gia Kutafin. Lần đầu tiên, chủ đề Biển Đông được đưa vào chương trình hội nghị dành cho các sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng - những nhà khoa học trẻ ngành luật của Nga. 
 
Tại hội thảo, các nhà khoa học trẻ chuyên ngành luật của Nga đã chăm chú nghe báo cáo của các chuyên gia Nga hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Biển Đông. Tiến sĩ Grigory Lokshin (Gri-gô-ri Lốc-xin), chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã tổng kết kèm theo video minh họa các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, như hoạt động mới đây của Tàu Hải dương 8 của Trung Quốc tại Bãi Tư chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; việc cải tạo các bãi đá, xây dựng đường băng, đặc biệt là tiến hành thử nghiệm đường băng trên Đá Chữ thập mà Trung Quốc xây dựng trái phép; các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Chuyên gia Nga khẳng định những hành động này đều đi ngược lại luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông khẳng định trong một thập kỷ gần đây, những hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông là có hệ thống, khiến Biển Đông trở thành điểm “nóng” quốc tế.
 
Chuyên gia Lokshin cho rằng Trung Quốc muốn biến khu vực không phải tranh chấp hay chồng lấn tại Biển Đông thành khu vực có tranh chấp, đồng thời cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam với LB Nga và các nước khác. Chuyên gia Lokshin khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách với khu vực này.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov (Đmi-tri Mô-xia-cốp), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông học, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhất trí với đánh giá của chuyên gia Lokshin về những hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông thời gian gần đây. Đề cập đến việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), chuyên gia Mosyakov nêu vấn đề về tính thượng tôn pháp luật. 
 
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều khẳng định rằng tất cả các bên tranh chấp cần tuân thủ những chuẩn mực của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc cũng là thành viên.
 
Ngay sau phần trình bày tham luận của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, các sinh viên tham dự đã thảo luận sôi nổi và đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia liên quan đến quan điểm cua các bên về Biển Đông cùng các giải pháp. Trả lời câu hỏi về triển vọng của những giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Lokshin nhấn mạnh các nước ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý và có tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.  Chuyên gia Lokshin nhấn mạnh: “Trên phương diện pháp luật, khu vực Biển Đông hiện nay rất nguy hiểm, đòi hỏi các bên phải có trách nhiệm, nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng luật quốc tế. Đúng là đã có luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, UNCLOS, các tài liệu pháp lý khác để giải quyết tình hình ở Biển Đông, nhưng chúng tôi thấy sự vi phạm nghiêm trọng từ phía Trung Quốc liên quan đến quyền chủ quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận, trước hết là của Việt Nam cùng các quốc gia ven biển khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei".
 
Chia sẻ về việc lần đầu tiên chủ đề Biển Đông được đưa vào chương trình hội nghị trường học của các nhà khoa học trẻ, anh Vladimir Nikolaev, nghiên cứu sinh trường Đại học Tư pháp quốc gia Nga, Chủ tịch câu lạc bộ sinh viên “Luật mở” của trường cho rằng “ Biển Đông là vấn đề quốc tế được các nhà khoa học thảo luận và các phương tiện truyền thông chuyển tải từ lâu. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp khác nhau cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, kể cả thiết lập những thiết chế mới công bằng hơn. Chỉ có qua những hội thảo như thế này, các nhà khoa học, các chuyên gia mới có thể nói lên những quan điểm của mình và thu hút sự chú ý và hiểu biết của cộng đồng quốc tế, từ đó có được những chính sách pháp luật đúng đắn và mang lại những đóng góp cho luật pháp quốc tế”./.
Theo Duy Trinh- Trần Hiếu/TTXVN
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top