Chủ trì toạ đàm có bà Lê Thị Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam và ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam.
Tham dự buổi toạ đàm có các đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành, Thị ủy, UBND thị xã Điện Bàn, Hội Nông dân 18 huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể OCOP.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, quy định, hướng dẫn của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam “hiến kế” phát triển Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.
Toàn cảnh toạ đàm phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thúc đẩy phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và xây dựng nông thôn mới năm 2023. Ảnh: Q.N.
Đặc biệt, các cấp Hội đẩy mạnh chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, gắn với quy hoạch sản xuất hàng hoá, các vùng sản xuất chuyên canh; hướng dẫn người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao.
Cùng với đó, Hội tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, triển khai xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế và nhân rộng để nông dân tham quan học tập.
Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, tích cực xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp….
Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Hội và hội viên nông dân đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong gần 13 năm qua.
Đến nay, Quảng Nam có 4 huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 124/194 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Đại Hiệp); 213/957 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn tăng cao, đạt 40,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,63%; hộ cận nghèo là 1,79%.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Bà Lê Thị Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam phát biểu: "Chương trình OCOP là một nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng đến phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm".
Qua 5 năm thực hiện, Quảng Nam là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất cả nước với 333 sản phẩm của 260 chủ thể. Trong đó có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy được vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân, hộ cá thể và kinh tế tập thể trong việc sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm và giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Tại toạ đàm đã có 7 lượt ý kiến phát biểu tham luận của các Sở, ngành, địa phương và chủ thể sản phẩm OCOP nêu lên giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế như: một bộ phận nông dân có tư tưởng còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; một số địa phương mặc dù đã được công nhận nông thôn mới nhưng thiếu bền vững; một số chủ thể sản phẩm còn chạy theo thành tích về số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng sản phẩm; đầu ra cho sản phẩm OCOP còn hạn chế….
"Mục tiêu đến năm 2025, cần có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 58 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu, thêm ít nhất 3-4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2-3 huyện nông thôn mới nâng cao; 230 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với Chương trình OCOP, mỗi cấp Hội chú trọng đồng hành cùng chủ thể sản phẩm OCOP trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn để làm các thủ tục, quy trình công nhận sản phẩm, nâng tầm sản phẩm, thủ tục để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm", bà Tâm nhấn mạnh.
Kết thúc tọa đàm, các đại biểu tham quan tuyến đường nông thôn mới tại xã Điện Quang và mô hình sản xuất thực phẩm chay Nhuận Minh tại xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) để học tập kinh nghiệm thực tiễn.
Bà Lê Thị Minh Tâm cũng đề nghị các Sở, ngành chuyên môn, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, có sự chỉ đạo để thực hiện đạt kết quả tốt hơn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP.