Hòa Bình có tiềm năng lợi thế phát triển về nông nghiệp, do có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng, có khả năng phát triển nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Thị trường tiêu thụ nông sản khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 70 sản phẩm được Chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm 18 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao; 33 nhãn hiệu được Chứng nhận bảo hộ trên thị trường.
Tỉnh Hòa Bình xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Theo Dự án phát triển Hệ thống kênh tiêu thụ nông sản tỉnh Hòa Bình tại thị trường thành phố Hà Nội, Tập đoàn FPT dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng vào việc xây dựng hệ thống cung ứng nông sản công nghệ cao trực tiếp từ các hợp tác xã trong tỉnh tới người tiêu dùng; Phát triển hệ thống kênh phân phối nông sản tỉnh Hòa Bình tới bàn ăn của các hộ gia đình Hà Nội.
Trong đó sẽ tập trung đầu tư vào các hạng mục: Trung tâm thu mua và xử lý nông sản; hệ thống giao vận 4.0 để kết nối nông sản Hòa Bình trực tiếp tới khách hàng Hà Nội; hệ thống điểm cung ứng nông sản tại Hà Nội; hệ thống thương mại điện tử, các chương trình chuyển đổi số nông nghiệp; các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh.
Tập đoàn FPT giao Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ là đầu mối triển khai thực hiện.
Dự kiến Dự án sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 - thử nghiệm, từ quý 4/2021 đến quý 1/2022; giai đoạn 2 – mở rộng, từ quý 2/2022.
Đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo Tập đoàn FPT mong muốn tỉnh quan tâm xây dựng thương hiệu cho nông sản Hòa Bình; giới thiệu, chỉ định đơn vị sản xuất nông nghiệp có năng lực cung ứng; triển khai chính sách quy hoạch và vùng sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng an toàn; kiểm soát tốt chất lượng nông sản để đảm bảo uy tín và thương hiệu.
Đặc biệt, lãnh đạo FPT đề nghị tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho Dự án về địa điểm đặt Trung tâm thu mua và sơ chế nông sản; hỗ trợ hoạt động vận tải, lưu thông nông sản trong bối cảnh dịch bệnh và đồng hành cùng các nhà đầu tư nhằm triển khai thành công Dự án.
Tại hội nghị, các sở, ngành cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm nông sản của tỉnh; thảo luận, đề xuất phương hướng và thống nhất phương án triển khai Dự án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhất trí cao với chủ trương của Dự án. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành của tỉnh để triển kha.
Cụ thể, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối kết nối với Tập đoàn FPT, hỗ trợ cho Tập đoàn tiếp cận với các sản phẩm nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, thực hiện chính sách hỗ công tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ địa điểm cho Tập đoàn FPT bố trí Trung tâm thu mua và sơ chế nông sản; giới thiệu các địa điểm đầu tư trên địa bàn; nghiên cứu, khảo sát, tư vấn mạng lưới tiêu thụ nông sản…