Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, thị trường bưu chính, chuyển phát đang ngày càng mở rộng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, tốc độ phát triển thương mại điện tử sẽ ngày càng cao và còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp chuyển phát với quy mô hoạt động, doanh thu khác nhau xin cấp phép tăng nhanh. Hiện thị trường có tổng số 500 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát được cấp phép. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng xin cấp phép để phục vụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định có một số hiện tượng nhức nhối như doanh nghiệp áp dụng giá dịch vụ bưu chính, vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh dẫn đến bóp méo thị trường; Nhiều doanh nghiệp xin cấp phép để xe được ghi chữ “Xe bưu chính” nhưng không thực hiện chuyển phát mà để tránh bị kiểm tra...
Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi số thành công và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật để phát triển lâu dài, bền vững làm lành mạnh thị trường.
Vừa qua, Bộ TT&TT đang lập cơ sở dữ liệu các doanh nghiêp bưu chính, chuyển phát để có dữ liệu, số liệu để quản lý và định hướng doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cũng không nên chạy theo xu hướng thị trường như đã từng xảy ra đối với một số lĩnh vực mà giờ đây nhiều đơn vị phải thoái vốn do thị trường đã sàng lọc.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, ngày 8/5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-BTTTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường năng lực mạng lưới, lao động, mặt bằng khai thác, phương tiện vận chuyển, an ninh hàng hóa, bố trí nhân lực bảo đảm kịp thời lưu thoát bưu gửi, không để xảy ra tình trạng dồn ứ, mất mát hàng hóa, phát sinh khiếu nại của khách hàng trong thời kỳ cao điểm. Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị bưu chính phải phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đại diện Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an đã có tham luận chia sẻ về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong cung ứng dịch vụ bưu chính, những khuyến cáo cần thiết đối với doanh nghiệp bưu chính trong phòng ngừa ngăn chặn phương thức, thủ đoạn kẻ xấu thường lợi dụng để gửi vật cấm gửi qua mạng bưu chính.
Đại diện Cục An ninh Chính trị cũng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị như: Thanh tra Bộ. Vụ Bưu chính, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố và các doanh nghiêp bưu chính thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 95/CT-BTTTT năm 2016 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính và Chỉ thị số 28/CT-BTTTT ngày 8/5/2020 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện.
Thông qua công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp bưu chính chủ động phối hợp, trao đổi với Bộ Công an khi có thông tin liên quan đến hoạt động gửi hàng cấm, đặc biệt là vũ khí, công cụ phương tiện hỗ trợ để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị địa phương đẩy mạnh tổng kiểm tra mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Tại hội nghị, Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an đã giới thiệu những điểm mới của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cách nhận biết ban đầu về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các vật cấm khác và tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện để lắp ráp vũ khí trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng. Thời gian qua, Cục đã phát hiện, xử lý 7.270 bưu phẩm, bưu kiện phát tán qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6.000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Chiều cùng ngày, Bưu điện Việt Nam đã trình bày tham luận về mã địa chỉ bưu chính Vpostcode và những khả năng ứng dụng trong thực tế. Theo đó, Vpostcode được phát triển trên nền tảng bản đồ số và mã bưu chính quốc gia nhằm cung cấp các thông tin về vị trí và mã của bất kì địa điểm nào trên toàn quốc. Việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính được thực hiện theo nguyên tắc mã vị trí mở OLC, chia bản đồ thành các lưới nhỏ đến diện tích phù hợp (3m x 3m) và gán mã cho từng ô trong lưới.
Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có nhiều chức năng thiết thực cho người dùng như tra cứu tạo mã, định vị, chia sẻ mã địa chỉ, tìm đường, quản lý thông tin địa điểm,… Ngoài ra còn cho phép người dùng cập nhật, làm giàu các thông tin dữ liệu địa chỉ cho mình và cộng đồng, giúp cho việc tìm kiếm địa chỉ nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Mã địa chỉ bưu chính Vpostcode cũng dễ dàng tích hợp vào các nền tảng ứng dụng khác để gia tăng trải nghiệm trong việc tạo và sử dụng mã địa chỉ. Các DN tích hợp mã địa chỉ bưu chính để tạo thành nền tảng dùng chung sẽ tối ưu hoạt động chuyển phát và logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mã địa chỉ bưu chính hoặc tích hợp với các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số để thực hiện các công tác quản lý đô thị, y tế, xã hội, dịch vụ công trực tuyến,… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử.
Để nền tảng mã địa chỉ bưu chính đi vào cuộc sống, thu hút đông đảo sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu địa chỉ. Đồng thời bổ sung thêm các ứng dụng mới đi kèm nhằm đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dùng, góp phần đẩy nhanh công cuộc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Đại diện 06 doanh nghiệp bưu chính kí cam kết không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính
Trong khuôn khổ hội nghị, 6 doanh nghiệp bưu chính chuyển phát gồm: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Vietnam), Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm, Công ty CP Thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Bình đã kí cam kết không nhận, chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết thực hiện những nội dung sau: Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; Cam kết đào tạo, phổ biến, quán triệt đến người lao động trong DN các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính; Tăng cường kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận; Từ chối, không chấp nhận, vận chuyển, phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính và/hoặc không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để kinh doanh, sử dụng hàng lậu, hàng cấm; Đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật; Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội./.