Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Võ Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị trực tuyến
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Võ Thanh Lâm chia sẻ: Ngành TT&TT đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đó là cách mạng số trong kỷ nguyên số, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, mobile money; vấn đề an toàn, an ninh không gian mạng; báo chí và mạng xã hội; bưu chính gắn với thương mại điện tử… Những thách thức mới đòi hỏi thanh tra ngành TT&TT nói riêng cần có cách tiếp cận mới mang tính đột phá, đổi mới cách làm.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cần đảm bảo nguyên tắc “tường minh” trong các quy định về quy trình thực hiện và xác định hành vi vi phạm, chế định pháp luật về chế tài áp dụng; có công cụ và phương tiện để đo đạc, giám sát để kịp thời phát hiện hành vi; có chế tài đủ sức răn đe; ứng dụng CNTT để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra trong ngành TT&TT; tăng cường phân cấp để các Sở TT&TT các tỉnh giải quyết, xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn…, ông Võ Thanh Lâm nhấn mạnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, Thanh tra Bộ giảm số lượng các cuộc thanh tra, tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát và thanh tra bằng hình thức trực tuyến.
Trong quý III và 9 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra lĩnh vực hành chính đối với 02 đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Qua thanh tra thấy về cơ bản, các đơn vị được thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng và ban hành đầy đủ các nội quy, quy chế, quy định nhằm đảm bảo cho hoạt động được thực hiện công khai, dân chủ. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ cũng đã góp ý, hướng dẫn các đơn vị được thanh tra thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng chỉ ra một số thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công, kê khai tài sản, thu nhập và việc chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đối với lĩnh vực Bưu chính: Qua việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, Thanh tra Bộ nhận thấy các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp bưu chính như: thay đổi địa chỉ trụ sở chính; việc thay đổi nội dung so với mẫu phiếu gửi, quy định thời hiệu khiếu nại; quy định thời hạn giải quyết khiếu nại, mức bồi thường và thực hiện chế độ báo cáo chưa đúng quy định của Luật bưu chính; chưa có Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính do Sở TT&TT các tỉnh, thành phố cấp cho 227 Văn phòng đại diện theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính, yêu cầu chấn chỉnh kịp thời.
Đối với lĩnh vực Viễn thông và CNTT: Qua giám sát cho thấy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa viễn thông, CNTT, an toàn thông tin, chữ ký số và chứng thực chữ ký số công cộng cơ bản chấp hành tương đối tốt pháp luật. Tuy nhiên, còn có một số tồn tại như: Nợ phí tần số, nợ Quỹ viễn thông công ích Việt Nam; Việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao còn nhiều tồn tại, hiện nay vẫn mua được SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao dễ dàng; Có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet truy nhập cáp quang ở các khu đô thị có mức giá cao hơn nhiều so với mức giá của các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế gây bức xúc cho người sử dụng; Xuất hiện việc người dân hoặc doanh nghiệp thuê lại dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông và thiết lập mạng viễn thông cung cấp dịch vụ cho người dân không có giấy phép tại Yên Bái, Lào Cai và một số địa phương khác; Tình trạng doanh nghiệp viễn thông di động áp dụng một số chính sách của mình nhằm hạn chế việc chuyển mạng, giữ nguyên số để giữ thuê bao làm phát sinh khiếu nại; Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bán thiết bị viễn thông, CNTT chưa thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy bị xử lý vi phạm hành chính; Tình trạng thiết bị khuếch đại sóng di động nhập lậu, bán trên mạng Internet gây can nhiễu cho các mạng di động khó bị ngăn chặn.
Đối với các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, 9 tháng đầu năm 2020, Cục Tần số tiến hành Thanh tra theo kế hoạch 12 cuộc; Kiểm tra theo kế hoạch 72 tổ chức, cá nhân và kiểm tra đột xuất 132 tổ chức, cá nhân; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là các vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, sử dụng thiết bị tần số vô tuyến điện không đúng tần số quy định trong giấy phép.
Cục Viễn thông: 9 tháng đầu năm 2020, thanh tra Cục Viễn thông đã và đang thực hiện 11 cuộc (trong đó gồm 07 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 04 cuộc thanh tra đột xuất); ban hành 06 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Lĩnh vực báo chí truyền thông: Ở lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, đã phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu như tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp; in xuất bản phẩm nhưng cơ sở in không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; Phát hành xuất bản phẩm nhưng không đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Ký hợp đồng in không đúng đối tượng theo quy định; Xuất bản xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục; Phát hành xuất bản phẩm khi chưa có quyết định phát hành của giám đốc Nhà xuất bản. 9 tháng đầu năm 2020, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiến hành thanh tra 02 cuộc thanh tra đối với 02 tổ chức (đạt 100% kế hoạch đề ra).
Trong Quý III/2020, Phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng đã tiến 04 cuộc kiểm tra tạp chí, trong đó đã xử phạt vi phạm mức 48 triệu đối với Tạp chí (Ngày nay; Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam; Tạp chí Thương hiệu và công luận; Tạp chí Đồng hành Việt) và tăng cường thực hiện hoạt động giám sát.
Trong hoạt động báo chí, bên cạnh những cơ quan báo chí có đóng góp tích cực vào ổn định tình hình chính trị, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin trong xã hội; còn tồn tại tình trạng một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, đi sâu khai thác những sơ hở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mặt trái của xã hội; chưa chú trọng đúng mức đến tính chất của tạp chí, đến tính chuyên sâu, chuyên ngành, tập trung nhiều ở nhóm tạp chí của các hội… Nhiều cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, tăng trang, thay đổi khuôn khổ, gộp số khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ mạng xã hội và thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, nhiều doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng, tổng hợp thông tin theo chủ đề đăng ký, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, một số mạng xã hội trở thành nơi tập hợp thành viên quan tâm đến một lĩnh vực nhất định với nhiều thông tin hữu ích, các mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp này đã góp phần lan tỏa thông tin, đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật, trên thực tế một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tiện ích của môi trường mở đã thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội vì mục đích không trong sáng, lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để đăng tải thông tin bất lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây sức ép để mưu lợi, với cách thức này một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu báo hóa, gây bức xúc dư luận xã hội…
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục Báo chí đã tiến hành thanh tra 02 cuộc thanh tra theo đúng tiến độ tại Kế hoạch thanh tra năm 2020 và 01 cuộc kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp. Cục Báo chí đã chỉ ra những thiếu sót, tồn tại trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí; các cơ quan báo chí đã nghiêm túc, chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại, hạn chế, thực hiện các kiến nghị và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Công tác tiếp dân tại Bộ TT&TT được thực hiện đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân và Quy trình tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ. Tại Bộ TT&TT không có vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp... Do thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện nên tình hình khiếu nại tố cáo trong Quý III và 9 tháng đầu năm 2020 tại Bộ TT&TT và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ không có khiếu kiện kéo dài cũng như khiếu kiện đông người.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ TT&TT quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện đạt được kết quả tốt, tạo chuyển biến tích cực góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển ngành TT&TT.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phổ biến Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống thư rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác; ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT chia sẻ về ”Một số vấn đề cần lưu ý trong xử lý vi phạm hành chính”...
Tại Hội nghị, nhiều Sở TT&TT đã kiến nghị đề xuất xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT như: Xử lý vấn đề thông tin sai sự thật trên môi trường mạng; vấn đề phóng viên thường trú; báo hóa tạp chí; vấn nạn in lậu, in nối bản; vấn đề thu chênh lệch tiền cước viễn thông trái với quy định về cung cấp kinh doanh dịch vụ Internet; về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác; về nội dung bán lại dịch vụ viễn thông; việc phát hiện hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính…/.