Hội nghị thường niên Mã số sách quốc tế (ISBN) lần thứ 37

Thứ tư, 16/09/2009 09:35

Trong hai ngày 10-11/9/2009, Hội nghị thường niên Mã số sách quốc tế (ISBN) lần thứ 37 đã được tổ chức tại Xê-un, Hàn Quốc. Tham dự Hội nghị lần này có 36 đại biểu đến từ 29 cơ quan, tổ chức ISBN của nhiều nước trên thế giới: Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Vùng Mỹ La tinh và Ca-ri-bê, Việt Nam…

img
Toàn cảnh Hội nghị

Trưởng đoàn của Cơ quan ISBN quốc tế Việt Nam là Bà Đỗ Kim Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản kiêm Phó giám đốc Cơ quan ISBN Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Mã số sách quốc tế, với tư cách là thành viên chính thức của Cơ quan ISBN quốc tế.

Ông Brian Green – Giám đốc điều hành Cơ quan ISBN  quốc  tế (Cơ quan quốc tế) trình bày Báo cáo chính về kết quả hoạt động của Cơ quan quốc tế  trong năm qua. Trong đó, có giới thiệu các cơ quan ISBN quốc gia mới thành lập là Lào và Sirya, một số nước khác đang nộp đơn xin gia nhập: Đông Ti-mo, My-an- ma, Mô- dăm- bích… Một số các hoạt động nổi bật đáng ghi nhận là các khóa đào tạo vùng Ban- căng; Ả - rập; Tiểu vùng Ấn Độ và Áp – ga- nit- tan dành cho các cơ quan ISBN mới thành lập. Cơ quan quốc tế cũng có sự hỗ trợ cho các cơ quan ISBN quốc gia, vùng (cơ quan quốc gia, vùng) với việc lập phần chỉ dẫn về ISBN quốc tế cho các nhà xuất bản (PIID). Trong những năm qua, PIID được đánh giá có hiệu quả và chất lượng, giúp cho các cơ quan quốc gia, vùng dễ dàng thu thập dữ liệu và xử lý của các nhà xuất bản. PIID còn được các thư viện quốc tế và các công ty phát hành sách  dùng để liên lạc mua sách trực tiếp của các nhà xuất bản. Thông qua PIID, bước đầu các cơ quan quốc gia, vùng, các thư viện, các công ty phát hành sách có được những thông tin đầy đủ, “lý lịch trích ngang” của các cuốn sách đang và sẽ được phát hành.

Bản báo cáo cũng đề cập đến Hợp đồng chung giữa ISBN với ISO: Cơ quan quốc tế đăng ký tiêu chuẩn cho ISBN là ISO 2108. Hợp đồng này cho phép các cơ quan quốc gia, vùng được đóng phí sử dụng ISBN nhưng chỉ ở mức phí duy trì hoạt động của ISBN. Cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm chung để duy trì tiêu chuẩn này. Đồng thời, Cơ quan quốc tế cũng sẽ cho phép người dùng thường xuyên được cập nhật những dữ liệu mới nhất. Việc quản lý phần mềm của Cơ quan quốc tế bao gồm quản lý mã số đầu của các cơ quan quốc gia, vùng (ví dụ: mã số của Cơ quan ISBN Việt Nam là 978-604); sự phân bổ những mã số của các nhà xuất bản trong hệ thống của cơ quan ISBN quốc gia, vùng (ví dụ: mã số Nhà Xuất bản Giáo dục trong hệ thống của Cơ quan ISBN Việt Nam là 978-604-0; Nhà xuất bản Hà Nội là 978-604- 3); trang thông tin điện tử của Cơ quan ISBN quốc tế và các cơ quan quốc gia vùng. Việc quản lý này giúp cho Cơ quan quốc tế điều chỉnh kịp thời các thông tin chưa đầy đủ và chính xác về tình hình sử dụng ISBN và có dự báo khi cần thiết.

Một phiên bản trong thông tin điện tử mới của ISBN được đưa ra giới thiệu với các cơ quan quốc gia, vùng. Trang thông tin  này tương tự như  trang hiện tại nhưng chú trọng đến nhiều hơn về những thông tin cần thiết cần có trong đó: tên sách, tác giả, thể loại, định dạng sách, giá bán, lần xuất bản/tái bản….

Giới thiệu về đầu mã chung mới là 979 được dùng để phân bổ tiếp theo cho sách khi một số quốc gia, vùng đã dùng hết mã số đã được phân bổ theo đầu mã chung là 978. Dung lượng của đầu mã số 979 bao gồm: 38 quốc gia, vùng được phân bổ  trong nhóm nước có mã là 5 chữ số; 31 quốc gia, vùng được phân bổ  trong nhóm nước có mã là 4 chữ số; 80 quốc gia, vùng được phân bổ  trong nhóm nước có mã là 3 chữ số (trong một số trường hợp có thể phân nhỏ nhóm 3 chữ số thành nhóm 4-5  chữ số khi cần thiết)…

Bên cạnh Báo cáo của Cơ quan quốc tế thì các chủ đề thảo luận: ISBN và xuất bản phẩm kỹ thuật số; trang thông tin điện tử mới của ISBN và PIID; những việc cần làm cho các cơ quan quốc gia, vùng nhỏ hơn… đã thu hút được tham gia thảo luận sôi nổi của nhiều đại biểu  từ nhiều quốc gia, vùng: Séc; Đức; Iran; Kê-ny-a; Anh; Mỹ; Việt Nam…

Cuộc gặp bên lề Hội nghị của Cơ quan ISBN Việt Nam, Lào, Campuchia và Ông Brian Green Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, nước chủ nhà cùng các nhà xuất bản Hàn quốc cũng tổ chức Hội thảo về ISBN trong môi trường Xuất bản số và tương lai của ngành Xuất bản. Các đại biểu tham dự đã nêu bật được sự cần thiết cần phát triển xuất bản phẩm kỹ thuật số. Đó là sự thuận tiện, nhanh chóng và hiện đại khi cần phát hành một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để sách đến được với đông đảo bạn đọc, trong một xã hội ngày càng phát triển. Và sách kỹ thuật số dễ dàng được cập nhật trên in-tơ-nét; máy điện thoại di động và các phương tiện kỹ thuật điện tử khác. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn nếu chế độ bảo mật của chúng ta không tốt thì rất dễ bị xâm phạm bản quyền.

Chiều ngày 11/9/2009 Hội nghị  đã kết thúc. Đại biểu các nước ra về với niềm hân hoan mới, tất cả đều hẹn gặp lại vào năm 2010 và chắc chắn sẽ có nhiều thách thức và thành quả mới để cùng ngồi vào bàn thảo luận.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top