Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tại TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí, đến nay, có gần 150.000 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực trẻ em, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Các cơ quan báo chí cơ bản đã phát huy sứ mệnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em trong việc hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên môi trường mạng. Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Từ đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cho cộng đồng. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin, qua khảo sát tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam thì có tới 87% số người sử dụng Internet hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ 36% (hầu hết là trẻ em lớn, độ tuổi 16 - 17 tuổi) tham gia khảo sát trả lời đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng. Đáng chú ý, trẻ em cũng có xu hướng “nghiện” mạng xã hội, trong khi môi trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. có những ngày học trực tuyến, nhiều trẻ tham gia từ 5-7 giờ trên mạng xã hội; trẻ em cũng có có xu hướng “nghiện” mạng xã hội ngoài giờ học trực tuyến.
Bên cạnh những lợi ích tích cực của Internet và mạng xã hội như: Giúp trẻ có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng; giúp gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người; giúp chia sẻ tình cảm, thông tin… cũng có những mặt trái, tiêu cực là các thông tin giả, tin có nội dung xấu độc dễ tiếp cận với trẻ; khiến trẻ bị “nghiện” sử dụng… Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập trên mạng xã hội. Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia và đại diện các cơ quan báo chí đã cùng thảo luận và đưa ra một số giải pháp để phòng tránh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng như: Cha mẹ cần hướng dẫn con cái sử dụng mạng xã hội; cha mẹ quản lý, chăm sóc con cái một cách hợp lý hơn; đưa ra những chế tài xử phạt thích đáng với những hành vi vi phạm quyền trẻ em; nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan, tổ chức./.