Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Rô, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: “Điều 30, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.”
Xác định rõ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc quan trọng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tiếp Công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018; Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Chính phủ, Thanh Tra Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Có thể nói các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được ban hành đầy đủ, kịp thời góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Trong thời gian qua, công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Bộ TT&TT và các cơ quan thuộc Bộ đã được thực hiện tốt, đúng quy định pháp luật, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đều được xử lý dứt điểm, đến nay tại Bộ Thông tin và Truyền thông không có vụ khiếu kiện kéo dài cũng như khiếu kiện đông người. Có được kết quả nêu trên là do công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm, chú trọng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ; Xác định một trong chín mục tiêu chính của Bộ TT&TT khi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đề xuất biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ở Bộ TT&TT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ vẫn còn một số vấn đề như: có nhiều đơn, thư phản ánh liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp (như: chuyển mạng giữ số; cước phí dịch vụ; lộ, để lộ lọt một số thông tin cá nhân; kháng nghị can nhiễu tần số vô tuyến điện); nhiều đơn thư phản ánh cơ quan báo chí viết bài không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; nhiều đơn thư gửi đến Bộ đề nghị Bộ chỉ đạo, chuyển nội dung phản ánh (nhiều khi là các tranh chấp dân sự) cho các cơ quan báo chí nhằm mục đích nhờ công luận gây sức ép.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã phổ biến quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời giải đáp cụ thể một số vấn đề khó trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nói chung, trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng./.