Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
|
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và hát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Hòa cho biết, tính đến ngày 29/12/2017, các nhà xuất bản trong cả nước đã đăng ký 63.814 tên xuất bản phẩm; Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận 62.800 tên xuất bản phẩm. 60 nhà xuất bản nộp lưu chiểu 30.157 xuất bản phẩm. Năm 2017, các nhà xuất bản đã chủ động khai thác, xuất bản nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả các loại sách. Bên cạnh đó là xuất bản phẩm phục vụ các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2017 như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), kỷ niệm 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, 50 năm thành lập ASEAN, 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Một số nhà xuất bản tích cực trong việc tiếp tục xuất bản nhiều xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đề cập tới những khó khăn, hạn chế trong hoạt động, Cục trưởng Chu Hòa cho biết, đến nay vẫn còn 22 nhà xuất bản chưa được cấp đổi giấy phép thành lập do thiếu một trong những điều kiện hoạt động hoặc chưa hoàn hiện hồ sơ cấp đổi. Mặc dù đã quá thời hạn hơn 2 năm nhưng tiến độ của việc cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản đang rất chậm. Điều này cho thấy một số cơ quan chủ quản chưa có sự hỗ trợ, đầu tư đúng mức cho nhà xuất bản để tháo gỡ khó khăn. Cục trưởng cho hay đã xảy ra tình trạng một số cơ quan chủ quản thực hiện cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của nhà xuất bản không theo quy định của Luật Xuất bản.
Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2018, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Nguyên đề nghị các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị năm 2018, cơ quan chủ quản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền theo tinh thần đổi mới, sáng tạo các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”; triển khai thực hiện Kết luận số 23 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử và những ngày lễ lớn trong năm 2018.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh Phát biểu dương những kết quả nổi bật của ngành xuất bản, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Các nhà xuất bản đã bám sát nội dung, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, triển khai kế hoạch, đề tài xuất bản trong năm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nêu rõ năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm đầu triển khai đồng bộ các nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) với nhiều nội dung đề cập đến các vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước. Đây cũng là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến công tác cán bộ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hoạt động xuất bản cần tập trung xây dựng kế hoạch đề tài, lựa chọn bản thảo cho việc tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội vào cuộc sống gắn với tuyên truyền Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước…
Phân tích những mặt thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức đang đặt ra, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà xuất bản chủ động xây dựng kế hoạch trên cơ sở bám sát nhiệm vụ, kế hoạch chung của ngành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xuất bản cần quán triệt các kết luận của Ban Bí thư về công tác xuất bản; triển khai thực hiện các nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng, trong đó, xác định rõ đối với lĩnh vực xuất bản: “Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu; trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cho phép chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước”....