Học viện Kỹ thuật Mật mã hướng tới mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 04/11/2021 19:08

Theo yêu cầu của lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, thời gian tới, Học viện Kỹ thuật Mật mã cần đẩy mạnh chuyển đổi số các mặt công tác, từng bước hình thành hệ sinh thái quản trị theo hướng đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

 Yêu cầu, nhiệm vụ trên vừa được Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ đưa ra tại Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và kỷ niệm 45 ngày truyền thống của với Học viện Kỹ thuật Mật mã (KTMM) được tổ chức hôm nay, ngày 15/4.

Đưa Học viện thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Vị Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định, trong thời gian tới, tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp. Các thách thức về chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt, đe dọa an ninh toàn cầu.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cùng việc các cấp, các ngành đẩy mạnh xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, nguy cơ về lộ lọt thông tin bí mật có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

“Bối cảnh này đã và đang đặt ra những yêu cầu, thách thức vô cùng lớn đối với công tác cơ yếu nói chung và công tác giáo dục, đào tạo của Học viện KTMM nói riêng”, ông Thiềm cho hay.

Đại diện lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cũng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm Học viện KTMM cần tập trung, trong đó có việc xây dựng Chiến lược phát triển Học viện gắn với đổi mới cơ cấu tổ chức, biên chế theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu quả.

Xây dựng mô hình vừa là trung tâm đào tạo chất lượng cao phục vụ ngành Cơ yếu, vừa là cơ quan nghiên cứu chiến lược về chính sách bảo mật, an toàn thông tin giúp lãnh đạo Ban tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo mật, an toàn thông tin quốc gia.

Tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển toàn diện người học. Coi trọng đào tạo đại học, đào tạo trên đại học trong lĩnh vực khoa học mật mã, an toàn thông tin và bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực cho toàn ngành Cơ yếu.

Đồng thời, mở rộng hợp tác, liên kết nhằm tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học…

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện KTMM cho biết, Nghị quyết 56 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045” đã xác định mục tiêu xây dựng Học viện KTMM thành cơ sở đào tạo chất lượng cao về KTMM và an toàn thông tin đáp ứng nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu kinh tế - xã hội.

Nhận thức rõ sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, theo ông Hùng, Học viện định hướng sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và sử dụng hạ tầng số để cung cấp dịch vụ đào tạo cá thể hóa cho người học.

20211119-pg6.jpg

Phấn đấu tới năm 2025 Học viện trở thành một trường đại học theo mô hình “đại học ứng dụng” hiện đại và có mô hình quản trị thông minh, đào tạo đa ngành, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học; có các chỉ tiêu chất lượng đào tạo tiệm cận nhóm 30 trường đào tạo hàng đầu về kỹ - nghệ tại Việt Nam; có cơ cấu ngành nghề bền vững, phù hợp với thực tiễn ngành Cơ yếu và xã hội; hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu về khoa học công nghệ mật mã, an toàn thông tin ở tầm quốc gia…

Học viện KTMM nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

Ghi nhận những thành tích Học viện KTMM đã đạt được, đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Học viện.

Cách đây 45 năm, ngày 15/4/1976, trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương, tiền thân của Học viện KTMM đã được thành lập.

Từ một trường đào tạo cán bộ cho ngành Cơ yếu với đội ngũ cán bộ chỉ hơn 10 người cùng cơ sở vật chất thiếu thốn, đến nay Học viện KTMM đã là trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Cơ yếu và nhu cầu kinh tế - xã hội.

Hiện trường có 7 khoa, 1 Trung tâm thực hành Kỹ thuật Mật mã, 1 Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, 81 giảng đường lý thuyết, thực hành - thí nghiệm tại 2 cơ sở Hà Nội, TP.HCM và 42 chương trình đào tạo Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Giai đoạn 2015 - 2020, Học viện đã đào tạo trên 50 khóa dài hạn với tổng số trên 330 lớp học, triển khai 80 khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Đặc biệt, hơn 2.000 kỹ sư và cán bộ, nhân viên các loại hình đào tạo chuyên ngành KTMM và các chuyên ngành thuộc ngành An toàn thông tin đã tốt nghiệp; số học viên cao học chuyên ngành KTMM và An toàn thông tin đã tốt nghiệp là hơn 200.

Năm năm qua, Học viện đã đào tạo hơn 250 lượt lưu học sinh Lào, Campuchia, Cuba với các loại hình từ bồi dưỡng ngắn hạn, trung cấp, đại học chính quy, thạc sĩ và thực tập sinh chuyên ngành KTMM cùng các khóa tập huấn ngắn hạn về KTMM, An toàn thông tin, CNTT. Cùng với đó, Học viện đã thực hiện 58 đề tại cấp cơ sở, 14 đề tại cấp Ban và 3 đề tài cấp quốc gia.

theo ictnews.vietnamnet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top