Theo Dự thảo Quyết định, Đề án sẽ chia làm 3 giai đoạn thực hiện.
Giai đoạn 1 (2012-2013): củng cố Hệ thống hội nghị truyền hình của Mạng thông tin chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai để tổ chức họp trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và mở rộng phạm vi họp trực tuyến từ Trung ương tới một số quận/huyện, xã/phường trọng điểm.
Giai đoạn 2 (2013-2015): kết hợp các hệ thống, trang thiết bị hội nghị truyền hình đã và đang triển khai trên diện rộng, bao gồm Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ Chính phủ và hạ tầng, thiết bị đầu cuối của Mạng thông tin chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và hệ thống hội nghị truyền hình tại địa phương. Đối với những địa phương chưa triển khai, căn cứ vào nhu cầu và hiệu quả đầu tư công, chủ động xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình từ tỉnh/thành phố đến cấp huyện trong năm 2013, đến một số xã trọng điểm trong năm 2015 (hoặc những năm tiếp theo) để đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến nội bộ của các địa phương.
Giai đoạn 3 (sau năm 2015): nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống hội nghị truyền hình của Chính phủ cho phép họp trực tuyến hai chiều tới cấp huyện bằng cách đầu tư bổ sung các hệ thống kết nối truyền hình đa điểm (MCU) mới để hoàn thiện hệ thống trung tâm dung lượng cao sẵn sàng kết nối các thiết bị đầu cuối của đơn vị, sử dụng đường truyền sẵn có trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, kết nối các Hệ thống hội nghị truyền hình nội tỉnh hiện có vào Hệ thống hội nghị truyền hình của Chính phủ để sử dụng thống nhất, sử dụng các thiết bị đầu cuối hội nghị truyền hình của Mạng thông tin chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thống nhất trên phạm vi cả nước. Bổ sung khoảng 400 bộ thiết bị đầu cuối hội nghị truyền hình trực tuyến hai chiều cố định cùng các thiết bị đầu cuối sẵn có của các địa phương và của Mạng thông tin chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai để trang bị cho các quận/huyện còn thiếu, đảm bảo 698 quận huyện đều được trang bị thiết bị đầu cuối hội nghị truyền hình. Trang bị thêm mỗi tỉnh 10 thiết bị đầu cuối hội nghị truyền hình lưu động để dự phòng và sử dụng lưu động (sử dụng đường truyền sẵn có hoặc thiết lập đường truyền tạm thời) khi có yêu cầu họp tới một số xã trọng điểm (tổng số 630 thiết bị). Các quận, huyện, phường, xã lắp đặt thiết bị của hệ thống truyền hình giao thức Internet IPTV để truyền hình một chiều từ Trung ương, tỉnh, huyện đến cấp xã…
Tại buổi làm việc, các ý kiến đóng góp của đại diện Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Viễn thông, Vụ Pháp chế cho Dự thảo Quyết định đều xoay quanh các vấn đề như: cơ chế tài chính cho đầu tư và chi phí vận hành của toàn bộ hệ thống, lộ trình thực hiện Đề án, lựa chọn doanh nghiệp triển khai, quy định về giá cước, phương thức tính trả cước…Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng, Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng sẽ hoàn thiện Dự thảo Quyết định trong thời gian sớm nhất.
Đề án Tổ chức họp trực tuyến từ Trung ương đến cấp xã, phường được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và hoàn thiện trong khoảng thời gian gần 2 năm với mục tiêu: xây dựng lộ trình hệ thống hội nghị ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo kết nối trực tuyến, thông suốt từ Trung ương đế các cấp địa phương (tới cấp xã, phường); có tính bảo mật, an toàn; phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành kịp thời và hiệu quả tại các phiên họp thường kỳ cũng như đột xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương với các cấp chính quyền địa phương, nhằm ổn định và phát triển kinh tế chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.