Hoàn thiện các quy định về phân loại đô thị là việc làm cần thiết, cấp bách

Thứ tư, 14/09/2022 18:37

Phân loại, phân cấp quản lý đô thị có vai trò quan trọng, là động lực để phát triển, hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam ngày một chất lượng, đồng thời, đây cũng là một khâu, mắt xích quan trọng góp phần tạo điều kiện thúc đẩy quá trình đô thị hoá phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

 Đó là một phần ý kiến, quan điểm quan trọng được TS. KTS. Trần Thị Lan Anh, Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, đặc biệt cần phải làm tốt, thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước về việc phát triển đô thị nói chung, phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM) nói riêng.

Cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW

Do đó, theo TS. Trần Thị Lan Anh, việc hoàn thiện các quy định về phân loại đô thị là việc làm cần thiết, cấp bách. "Đô thị hoá, phát triển đô thị quốc gia chính là một nhân tố, bộ phận quan trọng không thể thiếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cần phải thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", TS. Lan Anh nhấn mạnh.

20221031-pg19.jpeg

Cũng theo TS. Lan Anh, khi chúng ta thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW, điều này giúp công tác xây dựng, phát triển ĐTTM/TPTM nâng cao tốc độ và chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững, đồng thời, đảm bảo kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.

Hơn nữa, việc xây dựng, phát triển còn đảm bảo tạo ra chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà, hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị và tạo ra kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy…

Nói thêm về tầm quan trọng khi thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW, TS. Lan Anh còn nhấn mạnh đến một số mục tiêu cụ thể trong văn bản yêu cầu giai đoạn từ 2025 đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước khoảng đạt khoảng 45% (950 - 1.000 đô thị); 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn háo cấp đô thị; đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5% - 1,9%.

Năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 50% (1.000 - 1.200 đô thị); đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9% - 2,3%; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Với các mục tiêu quan trọng được đề ra, TS. Lan Anh cho rằng, chúng ta không khó để thực hiện được những yêu cầu trên, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng ấy, chúng ta cần xây dựng, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hóa phát triển đô thị bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam.

"Chúng ta cần sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị phù hợp với đặc điểm vùng miền, các đô thị có tính đặc thù; cần thêm các quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị …", TS. Lan Anh nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lan Anh, trong thực tế phát triển đô thị hóa của Việt Nam hiện nay mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn đang tồn tại hiện trạng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở 02 miền Bắc và Nam (vùng Đông Nam Bộ chiếm 67,8% và vùng Trung du, miền núi phía Bắc chiếm 22,2%).

Hơn nữa, tỷ lệ đô thị hóa thực tế đạt được ở Việt Nam (tính đến tháng 6/2022) mới chỉ đạt 41,5% - đây là con số tỷ lệ hóa trung bình cho toàn quốc thấp, do đó, các địa phương muốn tăng đạt tỷ lệ cao hơn cần cân nhắc năng lực, lợi thế của mình để xác định tỷ lệ đô thị hóa phù hợp.

"Các địa phương cần xác định yếu tố năng lực, lợi thế, từ đó có sự tính toán gắn với nội dung quy hoạch, xây dựng của tỉnh, thành phố", đông thời nghiên cứu phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn gắn liền với việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW", TS. Lan Anh nêu quan điểm.

Phát triển đô thị cần ưu tiên theo hướng tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí carbon

Nêu quan điểm giải pháp để thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển các đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay, TS. Lan Anh cho rằng các địa phương, tỉnh thành cần đổi mới, hoàn thiện các quy định về phân loại đô thị.

Cụ thể, khi xây dựng đô thị cần đồng bộ các tiêu chí, tiêu chuẩn trong văn bản pháp luật; đồng bộ, thống nhất về nội dung, tên gọi, trị số của tiêu chuẩn, tiêu chí; điều chỉnh hoặc loại bỏ các tiêu chuẩn không phù hợp, bổ sung tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị phù hợp với thực tiễn; các khái niệm và tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, phân loại đô thị cho các mô hình đô thị mới như: ĐTTM, đô thị sinh thái, đô thị xanh…

Đặc biệt, cần bổ sung quy định với các trường hợp theo yêu cầu cấp thiết về quản lý lãnh thổ, củng cố quốc phòng an ninh hoặc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, giá trị đặc sắc cố đô và bản sắc văn hóa Việt Nam.

"Cần chỉnh sửa các quy định về trình tự thủ tục đối với các đô thị nhập; bổ sung các quy định tăng cường quản lý nhà nước về phân loại đô thị; kiểm tra giám sát sau công nhận đô thị; có phương án đề xuất hạ loại đô thị…", TS. Lan Anh nêu ý kiến giải pháp.

Cũng theo TS. Lan Anh, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện việc các quy định về phân loại đô thị như: Quy định về phân loại đô thị cần được nghiên cứu đưa vào quy định tại Luật quản lý phát triển đô thị; quy định về phân loại đô thị cần được xem là căn cứ để phân bổ đất đai, xác định khung giá đất, tiền sử dụng đất (vì đây là một trong các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư dành cho cải tạo, chỉnh trang tái thiết); phân loại đô thị phải tạo thành công cụ để xây dựng, thực thi các chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Hơn nữa, trong công tác phân loại đô thị cần tập trung, ưu tiên bổ sung các quy định về việc kiểm soát và thúc đẩy thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Cụ thể cho quan điểm này, các quy định cần toàn diện ngay trong khâu quy hoạch (phối hợp hài hòa giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng - sử dụng đất) và ưu tiên hợp lý đối với các dự án có động lực mạnh mẽ.

Đặc biệt, thể chế cũng cần thống nhất, tuân thủ pháp luật (công bố, chia sẻ thông tin chương trình, tiến trình cấp phép) và đảm bảo luôn gia tăng các giá trị tiện ích (môi trường, không gian sống)...

Khi nói thêm về giá trị gia tăng tiện ích, TS. Lan Anh cho rằng, cần đảm bảo việc phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí carbon; tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực đô thị có quy mô lớn; tăng cường tái chế năng lượng…

"Việc tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến khu vực quy mô lớn cần áp dụng theo phương pháp thông thoáng tự nhiên, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tiết kiệm", TS. Lan Anh nêu quan điểm./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top