Bưu điện tỉnh phối hợp với nông dân đưa sản phẩm cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã coi trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Điển hình như phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt; phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP...; sản phẩm của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp được dán tem truy xuất nguồn gốc. Tiêu biểu như HTX chuối Viba (Lương Sơn) xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản chuối, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy (Lạc Thủy) sử dụng máy uống nước tự động, ăn tự động, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm... Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai, sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn như: Hệ thống cảnh báo phòng, chống thiên tai với thông tin mưa được cung cấp liên tục hàng giờ, có thể khai thác mọi lúc, mọi nơi nhằm hỗ trợ trong công tác theo dõi, cảnh báo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, được tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn; phần mềm thống kê theo dõi dịch bệnh; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp tại địa chỉ http://datnongnghiep. hoabinh.gov.vn; hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình tại địa chỉ: hb.check.net.vn; phần mềm cập nhật diễn biến rừng, dự báo cháy rừng, quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0…
Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp đang triển khai chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp” sang "kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Theo đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ, nông nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; ứng dụng công nghệ tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử và các ứng dụng về công nghệ thông tin, nền tảng số…/.