Hỗ trợ hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên tại Kon Tum, Quảng Bình an toàn trên môi trường mạng

Thứ năm, 07/07/2022 20:30

T hanh thiếu niên độ tuổi từ 10 - 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ để sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng.

20220916-ta24.jpg

Khởi động dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng"

Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Bình ngày 29/4 đã tổ chức hội thảo khởi động dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng" do văn phòng Plan International Đức tài trợ tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Bình.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và kết nối trực tuyến với điểm cầu Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại biểu từ các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, đại diện các trường và trẻ em là thành viên câu lạc bộ Thủ lĩnh thay đổi và Đại diện nhà tài trợ của dự án (Plan International Đức). 

Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số).  Do dịch bệnh COVID-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên, nhóm chiếm 15,22% dân số, sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới. 

Khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet. Bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Nhằm đồng hành với các cơ quan chính phủ triển khai Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/06/2021, tổ chức Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng".

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động chương trình và đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên môi trường mạng là một trong các dự án trọng tâm của Chương trình Phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới của Plan trong khuôn khổ chiến lược 5 năm 2020-2025 hướng tới 2 triệu trẻ em gái có thể học tập, lãnh đạo, quyết đinh và phát triển. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị đối tác, nhà trường, gia đình và trẻ em  để mọi trẻ em và thanh thiếu niên được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng".

Mục tiêu của dự án là thanh thiếu niên độ tuổi từ 10 - 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, được hỗ trợ để sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng.

Dự án cũng hướng tới hỗ trợ gia đình, trường học và cộng đồng thiết lập các cơ chế để bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng.

 

Tại hội thảo, Em Y Ngang, học sinh THCS tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết: "Em thường xuyên sử dụng mạng Internet để học trực tuyến và liên lạc với bạn bè, thầy cô, do đó em mong muốn dự án có thể giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để chúng em có thể yên tâm sử dụng mạng một cách an toàn".

Trong khi đó, em Vân Khánh, học sinh THCS tại tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Với bạn bè xung quanh em, có bạn bị người không quen trên Facebook gạ gẫm gửi ảnh và chat những nội dung không phù hợp với lứa tuối của em. Trong khi đó, hầu hết chúng em chưa có được kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trên không gian mạng".

Chính từ những trải nghiệm đó, Vân Khánh chia sẻ em cũng như các bạn rất vui khi được nhà trường chia sẻ về dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên không gian mạng" được triển khai tại trường. Với cá nhân em, em còn được tham gia trong nhóm câu lạc bộ thủ lĩnh thay đổi. "Em tin tưởng rằng sau khi được tập huấn/truyền thông, câu lạc bộ thủ lĩnh thay đổi sẽ tích cực hỗ trợ để tuyên truyền hỗ trợ cho các bạn cũng như cho các thành viên trong gia đình".

Dự kiến sau ba năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, và người dân tại cộng đồng sử dụng các trang trực tuyến, trang mạng xã hội.

Trước đó, một hội thảo tương tự nhằm khởi động dự án tại tỉnh Kon Tum cũng đã được Plan International Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổ chức vào ngày 14/01/2022.

Cần sự phối hợp liên ngành thực chất, hiệu quả

Chia sẻ về nỗ lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: "Bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng rất cần công tác phối hợp liên ngành thực chất, hiệu quả từ khâu phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, quan trọng nhất là phòng ngừa để các em có được kiến thức, kỹ năng tham gia môi trường mạng được an toàn, lành mạnh".

Còn theo bà Svea Norkus, chuyên gia phụ trách các chương trình châu Á của văn phòng Plan International Đức cho biết: "Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và sự gia tăng sử dụng Internet hiện nay, vấn đề bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên không gian mạng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với sự nỗ lực chung của tất cả các đối tác, thanh thiếu niên sẽ được nâng cao kiến thức và kỹ năng số để sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn. Tôi tin rằng dự án này sẽ có tác động lớn đối với sự an toàn của thanh thiếu niên trên môi trường mạng".

Không chỉ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên tại hai tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, tại buổi lễ tổng kết cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin (ATTT) 2022" do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Cục ATTT - Bộ TT&TT, Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đồng tổ chức, bà Lê Quỳnh Lan chia sẻ: Công tác bảo vệ trẻ em trong thời điểm thời đại công nghệ số hiện nay là một thách thức vô cùng lớn và cần có sự chung tay. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ví dụ như Hà Giang, Lai Châu và các tỉnh khác mà Plan International Vietnam đang triển khai dự án, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ là những khó khăn về mặt kinh tế mà các em còn gặp khó khăn về mặt tiếp cận thông tin, đặc biệt là với nhóm em gái là đối tượng yếu thế thường hay gặp thiệt thòi.

Do vậy, bà Lan cho biết trong các can thiệp của Plan, chúng tôi mong muốn hỗ trợ thêm cho các em để đảm bảo rằng các em sẽ bình đẳng và có cơ hội tiếp cận thông tin hay được hỗ trợ để tránh được rủi ro tốt hơn. "Các ưu tiên của Plan sẽ không chỉ tập trung vào việc nâng cao nhận thức mà còn trợ giúp, kết nối các em khi bị xâm hại với các dịch vụ bảo vệ trẻ em để tạo ra vòng tròn bảo vệ trẻ em tổng thể, trong đó trẻ em là nhân tố tham gia quyết định chủ động chứ không chỉ là người đứng đấy để người lớn bảo vệ"./.

 

Theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top