Ảnh minh họa
Vùng biển của tỉnh Ninh Thuận có diện tích trên 18.000 km2, nằm ở trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước; đồng thời đây cũng là môi trường sống lý tưởng của các loài thủy sản nhóm nhuyễn thể, nhóm cá biển, nhóm giáp xác và các loại rong tảo… có giá trị kinh tế cao.
Tận dụng lợi thế vốn có trên, thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân vùng biển ở tỉnh Ninh Thuận như Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã làm tốt quy hoạch, quản lý vùng nuôi; đồng thời mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi hải sản lồng bè trên biển và vùng gần biển đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng biển và ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh phát triển rất mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đặc biệt chú trọng rà soát các khu nuôi biển, định hướng tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030.
Đối với việc tổ chức nuôi tại các vùng biển xa, biển sâu, ngành thủy sản tỉnh đang có giải pháp thực hiện nuôi theo phương thức hiện đại, công nghệ nuôi tiên tiến, kết cấu công trình lồng bè nuôi vững chắc để định hướng cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng hỗ trợ lập quy hoạch và tổ chức bao tiêu sản phẩm nuôi.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đang hướng dẫn và thực hiện việc cấp phép nuôi thủy sản lồng bè trên biển theo quy định của Luật Thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ và giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ; trong đó hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển đổi nghề; quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện tại các khu vực có quy hoạch, các khu vực chưa có quy hoạch nuôi thủy sản trên biển; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân hành nghề nuôi biển.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương vùng biển tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nuôi trồng; tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; đồng thời giới thiệu các mô hình nuôi thành công để có hướng hỗ trợ và nhân rộng.
Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh đã có thông báo và giám sát chuyển đổi tôm bố mẹ hết thời gian sử dụng sinh sản; thông báo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản thực hiện công bố chất lượng theo thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT và thông tư 01/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng tăng cường quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản theo đúng tần suất 1 lần/tháng và đột xuất khi có tình hình dịch bệnh hoặc khi bước vào vụ nuôi chính; đồng thời tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước năm 2022 và đến năm 2025.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản thương phẩm của tỉnh là 619 ha, đạt hơn 80% kế hoạch và tăng trên 100% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản thương phẩm đạt trên 4.628.000 tấn, đạt 54,5% kế hoạch và tăng 0,4% so với cùng kỳ, chủ yếu là các loại nuôi như tôm chân trắng, tôm hùm; ốc hương, cá biển, cá nước lợ, cá nước ngọt, hàu, cua, ghẹ, rong…
Đối với sản xuất giống thủy sản, Ninh Thuận cũng có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng thể tích trên 140.000 m3. Tính đến hết tháng 6, sản lượng tôm giống của tỉnh đạt 20.700 triệu con tôm post, đạt trên 53% kế hoạch năm và tăng trên 100% so với cùng kỳ; trong đó, có 4.100 triệu giống tôm sú và 16.600 triệu con giống tôm thẻ.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận luôn giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trong tỉnh; giám sát chuyển đổi mục đích sử dụng tôm bố mẹ hết thời gian sử dụng sinh sản 77 lô/30.000 con; đồng thời kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản theo quy định, nâng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận lên 377 cơ sở.
Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã triển khai 4 đợt quan trắc môi trường với 26 mẫu giáp xác và 84 mẫu nước cấp để kiểm tra các thông số, chất lượng…và tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10- MT2015/BTNMT. Chi cục cũng đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng chính quyền các địa phương vùng biển tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao tại xã An Hải, huyện Ninh Phước và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam./.