Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thực hiện Đề án “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025” Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Sở đã thực hiện công tác khảo nghiệm giống lúa vụ Đông Xuân 2021-2022; tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác Đài Loan (xây dựng nhà màng tại Trại nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú); Tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình tại 03 HTX (HTX nông nghiệp Hưng Thành; HTX Tuyên Bình Tây, HTX Hương Trang). Hỗ trợ giống và thuê thiết bị bay để gieo sạ, phun thuốc cho TX nông nghiệp Phát Lộc, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh; HTX Nông nghiệp Long Thuận-Thủ Thừa, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa và HTX dịch vụ sản xuất thương mại Nông nghiệp 4.0, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa.
Tính đến tháng 5/2022, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án là 29.341,9 ha/kế hoạch đến năm 2025 là 60.000 ha, đạt 48,9% so với giai đoạn 2021-2025.
Tiêu biểu như ở Tân Thạnh vụ Đông Xuân 2020-2021 thực hiện 06 mô hình, với diện tích 390,5 ha với 168 hộ dân tham gia. Các mô hình đều đạt năng suất cao (8-8,5 tấn/ha lúa tươi). Vụ Hè Thu 2021, thực hiện 10 mô hình, diện tích 526,4 ha với 212 hộ dân tham gia. Năng suất lúa đạt 55-60 tạ/ha. Vụ Thu Đông 2021, thực hiện 21 mô hình, diện tích 1.133 ha với 437 hộ dân tham gia. Năng suất lúa đạt 60-65 tạ/ha.
Từ thực tế triển khai nhiều nông dân nhận thấy mô hình này tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, nông dân được hỗ trợ giống, phân hữu cơ vi sinh và chi phí sạ hàng nên hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao còn giảm ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Được biết, theo kế hoạch vụ Hè Thu năm 2022, huyện Tân Thạnh sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Kiến Bình, Tân Bình, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Bắc Hòa, Hậu Thạnh Đông và Tân Thành, với tổng diện tích sản xuất khoảng 2.000ha. Nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 30% chi phí lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật”.
Xác định ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là xu hướng tất yếu, sau 4 năm triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại Tân Hưng đã giúp nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân được nâng lên.
Đến nay, toàn huyện xây dựng được 9 mô hình điểm (tỉnh 6 mô hình, huyện 3 mô hình, diện tích 450ha), 6 mô hình nhân rộng (diện tích 420ha) và nông dân tự triển khai, nhân rộng với tổng diện tích 4.558ha ứng dụng công nghệ cao, có 1.055 hộ dân tham gia, đạt 101,3% kế hoạch. Để triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, đề ra Chương trình đột phá Nâng chất, mở rộng diện tích thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện lũy kế đến năm 2025 là 15.900ha.
Hiện huyện tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.
Ở huyện Mộc Hóa, vụ Đông Xuân 2021-2022 ngân sách huyện triển khai 3 mô hình nhân rộng với diện tích là 153,5 ha và người dân tự nhân rộng trong mô hình với diện tích là 261,7 ha trên địa bàn 03 xã Bình Hòa Tây, Bình Hòa Trung, Bình Hòa Đông mỗi xã 01 mô hình nhân rộng diện tích tối thiểu 01 mô hình là 50 ha. Vụ Hè Thu năm 2022, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng 03 mô hình. Tính đến nay diện tích lúa công nghệ cao là 5.487 ha tổng sản lượng đạt 33.578 tấn đạt 117,82% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, người dân tự ứng dụng giai đoạn 2016-2020 là 3.339 ha (năng suất bình quân đạt 60,9 tạ/ha sản lượng đạt 20.334 tấn), năm 2021 là 2.148ha, năng suất bình quân đạt 61,66 tạ/ha, sản lượng đạt 13.244 tấn. Nhiều HTX đã chủ động ký kết với một số công ty lúa gạo để tìm đầu ra ổn định cho nông dân. Nhờ vậy, thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm của nông dân vẫn được tiêu thụ với giá cả ổn định.
Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến. Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế (lợi nhuận tăng 2-7 triệu đồng/ha). Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa./.