ảnh minh họa
Nicotine chính là thủ phạm gây nghiện trong thuốc lá và khiến người hút TL không thể bỏ được. Khi hút thuốc, nồng độ nicotine tăng nhanh, chỉ trong vài giây vượt qua ngưỡng sảng khoái, khiến người hút thuốc cảm thấy yêu đời, an tâm, sảng khoái, thư giãn, tăng mức độ thức tỉnh, tăng mức tập trung, chú ý, tăng hiệu quả hoạt động trí óc, giảm cân nặng. Khi nồng độ nicotine giảm xuống ngưỡng khó chịu, gây mất ngủ, trầm cảm, cáu gắt, lo âu, khó tập trung, ớn lạnh, sốt, thèm ăn... thúc đẩy bệnh nhân tiếp tục hút TL để duy trì được những cảm giác dễ chịu do hút TL mang lại và tránh né những cảm giác khó chịu do thiếu TL gây ra.
Theo BS Hoàng Anh Đức, Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, với bệnh nghiện TL, không có phương pháp “tuyệt vời”, đơn độc để cai, cũng không có loại thuốc nào uống để biến một người hôm qua còn hút cả gói thành người không hút TL chỉ sau 1 ngày hay trong một thời gian ngắn. Thành công cai TL dựa vào “nỗ lực”, quyết tâm của bệnh nhân. Điều kiện tiên quyết để cai TL thành công là kiến thức (biết tác hại thuốc lá, cảm giác khó chịu khi bỏ thuốc…), quyết tâm cai TL và sự hỗ trợ.
Song song đó, phương pháp điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi: Tự can thiệp, lời khuyên của bác sĩ, điều dưỡng thông qua tư vấn cá nhân, tư vấn theo nhóm và tư vấn qua điện thoại (đường dây tư vấn) cũng sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi và quyết tâm bỏ TL. Điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi đóng vai trò rất quan trọng. Với bệnh nhân nghiện thực thể vừa và nặng thì chưa đủ, cần có những biện pháp hỗ trợ bằng thuốc để người bệnh vượt qua hội chứng cai.
Triệu chứng cai thuốc gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, là nguyên nhân gây tái nghiện và cai thuốc không thành công. Vì thế, người nghiện TL cần có thuốc hỗ trợ cai. Thuốc hỗ trợ cai TL có tác dụng giảm nhẹ, loại bỏ các cảm giác khó chịu, làm giảm nhẹ các cảm giác hưng phấn do hút thuốc mang lại và góp phần cai TL thành công. Hiện tại có 3 chế phẩm chính: nicotine thay thế, bupropion, varenicline, chỉ định rộng rãi cho mọi người nghiện thuốc lá muốn cai TL. Nicotine, bupropion, varenicline giảm hội chứng cai thuốc lá. Varenicline làm giảm hưng phấn khi hút TL. Thuốc hỗ trợ là thành tố then chốt trong cai nghiện TL, tăng gấp đôi hiệu quả tư vấn nhưng không thay thế tư vấn.
Qua nghiên cứu, áp dụng cả phương pháp tư vấn kết hợp dùng thuốc hỗ trợ, tỷ lệ cai TL thành công hơn chỉ tư vấn đơn thuần. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ tư vấn đơn thuần cũng giúp 15% bệnh nhân bỏ TL thành công. Phần lớn bệnh nhân dạng này mới chỉ nghiện TL ở mức độ nhẹ. Chỉ định phối hợp trị liệu cho bệnh nhân nghiện thực thể nặng (không cai nổi, tái nghiện sớm, tái nghiện nhiều lần) hoặc nghiện thuốc lá, nguy cơ cao (bệnh nhân COPD, hen suyễn, ung thư, chờ ghép phổi).
BS Hoàng Anh Đức nhấn mạnh: Nghiện TL là một bệnh lý thực thể, cần được chẩn đoán và điều trị như các bệnh lý khác. Điều trị cai nghiện TL là hỗ trợ thay đổi nhận thức - hành vi, điều trị thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân. Tái nghiện, không phải là thất bại, ngược lại là bước cần thiết, bước đầu tiên đi đến thành công.
Gọi 1800 6606 để được tư vấn, hỗ trợ cai thuốc lá
(CT) - Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hotline 1800 6606 (miễn phí), hoạt động từ 8:00 đến 22:00 hằng ngày, kể cả thứ 7, chủ nhật (trừ ngày lễ, Tết).
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân đến khi cai thuốc thành công. Trong 3 năm (2019-2021), Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá đã tiếp nhận tổng cộng 36.657 cuộc gọi tới dịch vụ 1800 6606. Tổng đài viên đều có chứng chỉ về tư vấn cai nghiện thuốc lá; được đào tạo chuyên sâu kỹ năng tư vấn và có kiến thức về cai nghiện thuốc lá.
Từ tháng 12-2021, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng hệ thống đánh giá sau cuộc gọi tư vấn của Tổng đài nhằm đo lường mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với tư vấn viên.