Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ III

Thứ bảy, 13/11/2010 16:04

Sáng 13/11/2010, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đã tổ chức đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2011-2015. Đây là sự kiện quan trọng của Hiệp hội và các ngành phần mềm dịch vụ CNTT Việt Nam.

img

Tới dự Đại hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, Trung ương; Ban Lãnh đạo, các hội viên của Hiệp hội VINASA và các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.

Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được thành lập tháng 4/2002, là tổ chức xã hội - ngành nghề đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam. Từ 55 doanh nghiệp hội viên ban đầu đến Đại hội lần thứ II năm 2005 đã tăng lên 90 hội viên và đến nay Vinasa đã có 198 doanh nghiệp hội viên, tăng hơn 2 lần trong nhiệm kỳ II và tăng gần 4 lần sau 8 năm hoạt động. Hội viên Vinasa là hầu hết các doanh nghiệp của ngành, chiếm 70% doanh thu và 60% nhân lực toàn ngành. Vinasa có vai trò quan trọng trong việc tập hợp các doanh nghiệp trong ngành, cùng liên kết phát triển, phục vụ thị trường trong nước và tiến ra thị trường nước ngoài. Trong nhiệm kỳ 2005-2010 Vinasa đã có sự phát triển vượt bậc cả về tổ chức và hoạt động, hiệp hội đã rất thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường trong nước và thâm nhập thị trương quốc tế, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng đặc biệt của ngành là trên 30% hàng năm.  

Đại hội toàn thể lần thứ III Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lần này có nhiệm vụ đánh giá tình hình phát triển của ngành phần mềm Việt Nam và kết quả hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ II (2005-2010), đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng phát triển của ngành và chương trình hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ III (2011-2015) với tinh thần “Hợp tác – Sáng tạo – Phát triển” liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp phần mềm dịch vụ CNTT, phát huy tiềm năng trí tuệ, sức mạnh sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, lao động tri thức toàn ngành, sức mạnh của các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển ngành, phát triển các doanh nghiệp, đưa ngành phần mềm và dịch vụ CNTT trở thành ngành kinh tế tri thức mũi nhọn của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

img

Tổng kết và đánh giá, trong 5 năm qua ngành công nghiệp phần mềm (CNpPM) Việt Nam đã có bước phát triển bứt phá ngoạn mục về quy mô và thị trường. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành thường xuyên cao gấp 3-4 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP chung của cả nước, năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3-10 lần. Doanh thu phần mềm từ năm 2005-2010 tăng hơn gấp 4 lần (từ 250 triệu USD năm 2005 tới 850 triệu USD năm 2009 và dự kiến trên 1 tỷ USD năm 2010). Lĩnh vực nội dung số là lĩnh vực mới trong ngành phần mềm và dịch vụ CNTT nhưng trong 5 năm qua doanh thu đạt được từ lĩnh vực này là 690 triệu USD và 41 nghìn lao động. Đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cũng đã có sự lớn mạnh nhanh chóng về quy mô, số lượng và trình độ. Đã xuất hiện những công ty lớn với quy mô nhân lực trên 500 người, một số công ty như FPT, VTC, VinaGame đã đạt quy mô trên 1000 lao động, trong đó Công ty phần mềm FPT đã có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với trên 3000 cán bộ, kỹ sư, lập trình viên. Thị trường của ngành phần mềm trong những năm qua đã phát triển rất mạnh, đạt mức tăng trưởng trung bình mỗi năm trên 30%, thị trường trong nước được dẫn dắt bởi hai phân khúc lớn nhất là ứng dụng CNTT trong khu vực nhà nước và ứng dụng CNTT trong khu vực doanh nghiệp. Thị trường xuất khẩu của ngành phần và dịch vụ CNTT cũng đã có nhiều đột phá quan trọng, có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao 30-40%... Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh CNTT của Việt Nam năm 2009 tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh CNTT toàn cầu của EIU và được thế giới đánh giá ngày càng cao hơn trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm.

Trong 5 năm qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được Hiệp hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế: công tác phát triển hội viên chưa đạt được chỉ tiêu đã đề ra trong đại hội lần thứ I; các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển thị trường trong nước còn ít, chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng thị trường và yêu cầu của hội viên; các hoạt động giao lưu, họp mặt, sinh hoạt nhóm chưa được thực hiện thường xuyên… Trong đại hội III nhiệm kỳ 2011-2015, Hiệp hội hướng tới mục tiêu mở rộng liên kết và tập hợp các doanh nghiệp trong ngành và với cộng đồng CNTT quốc tế, xây dựng Hiệp hội thực sự là tổ chức đại diện và là chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam, phát triển nhiều hoạt động và dịch vụ chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp hội viên và góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20% hàng năm của ngành, đưa ngành phần mềm và dịch vụ CNTT trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện chủ trương đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Nội dung đó được Hiệp hội tiến hành thực hiện cụ thể như sau: Phát triển số lượng hội viên tăng lên; tổ chức các sự kiện thương mại trong nước, hỗ trợ hội viên phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp và cho ngành, đổi mới và tiếp tục tổ chức giải thưởng Sao Khuê; kết nối các doanh nghiệp cùng tiến ra thị trường quốc tế, triển khai mỗi năm đưa 3-4 đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nước ngoài; phát triển tốt các mối quan hệ hợp tác quốc tế; tổ chức hoạt động quảng bá, tuyên truyền cho ngành và cho doanh nghiệp…

img

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự vui mừng trước sự nỗ lực và những kết quả mà Hiệp hội đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá cao vai trò của Hiệp hội. Phó Thủ tướng cũng mong muốn, Hiệp hội có những tư vấn, đóng góp thiết thực với Chính phủ trong việc xây dựng chính sách CNTT, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT&TT. Bên cạnh những thành tựu đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của CNpPM mà nguyên nhân phần lớn là các doanh nghiệp còn trẻ, quy mô nhỏ, vốn liếng hạn chế. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung liên kết các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn để trong vòng 10 năm tới doanh thu của CNpPM sẽ tăng 40 lần.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cũng phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng cho rằng, Hiệp hội nên mạnh dạn  nhìn ra thế giới để xây dựng mục tiêu phấn đấu của mình trong những năm sắp tới. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Bộ trưởng mong muốn Hiệp hội thực hiện được 4 nhiệm vụ trọng tâm sau: đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tổ chức mô hình hoạt động phù hợp với doanh nghiệp; tập trung cao trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng thương hiệu mạnh… Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp phần mềm cần cố gắng hơn nữa để trở thành những doanh nghiệp đi đầu của Việt Nam để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam vì những đóng góp xuất sắc trong những năm qua.
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top