Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện Nghi thức khai trương Hệ thống TTBCQG, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức lễ khai trương Hệ thống TTBCQG, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thứ 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số điềm cầu trải nghiệm thực tế tại một số địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và một số địa phương; Đại sứ các nước Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; các tổ chức quốc tế... đã dự lễ khai trương.
Hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành động và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của CPĐT phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp (DN) như các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng DVCQG...
Sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, với sự chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa VPCP và các bộ, ngành địa phương, chuyên gia trong nước, quốc tế và nhà cung cấp dịch vụ CNTT, đặc biệt là Tập đoàn VNPT, đến thời điểm này, Hệ thống TTBCQG và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ.
Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống TTBCQG; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội (KT-XH) được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống. Bước đầu, 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến được xây dựng theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Hệ thống TTBCQG được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đồng thời, hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác CSDL về thông tin báo cáo trên Hệ thống TTBCQG theo phân cấp quản lý.
Bên cạnh đó, việc thiết lập Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành với trang thiết bị, công nghệ tiến tiến, được kết nối, tích hợp, liên thông và chia sẻ với Hệ thống TTBCQG, Trung tâm điều hành, các hệ thống thông tin, CSDL của các bộ, ngành, địa phương, được bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu, sẽ phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương; trực tiếp chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa.
1.000 DVCTT mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng DVCQG
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Hệ thống và Trung tâm nêu trên được khai trương sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số.
Hệ thống cũng bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.
Việc Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung, các địa phương chỉ triển khai xây dựng hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải.
Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ với người dân, DN, trong đó Cổng DVCQG là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, DN và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, DN tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.
Tính đến ngày 18/8/2020, Cổng DVCQG đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.
Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.
Đặc biệt, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), hôm nay là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 DVCTT mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng DVCQG.
Cùng với dịch vụ công thứ 1.000 là cấp đăng ký, biển số xe ô tô trực tuyến với số lượng tuân thủ khoảng hơn 4 triệu ô tô, xe máy một năm thì các dịch vụ công về liên thông, dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phục vụ hơn 780.000 đơn vị sử dụng lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động, 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng.
"Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng DVCQG; sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, DN nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng DN, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.